Hướng đến ngày Thế giới bảo vệ động vật hoang dã (3/3): Tận diệt thật trên “thế giới ảo”!

Nhóm PV Dân Việt đã tận thấy thị trường buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) đã bị tàn sát tận diệt thật sự thông qua thế giới “ảo” trên mạng internet.

Với nhiều loại hàng cấm, không thể bày bán công khai ngoài chợ, ngoài siêu thị hay chào bán bằng các quảng cáo hợp pháp, thì các đối tượng thành lập hội nhóm kín hay tìm cách trá hình quảng bá nhằm bán mua thu lợi nhuận… cũng là dễ hiểu. Nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, giao dịch “ảo” lại càng được sử dụng phố biến hơn.

Chừng nào chúng ta còn coi sự tồn tại của các mạng lưới trên là dễ hiểu, là không thể kiểm soát, thì chừng đó các hậu quả môi trường và đa dạng sinh học còn chờ đợi chúng ta để tiếp tục giáng xuống.

Một trùm buôn đủ thứ từ súng săn, “kẹo sắt” (đạn), tới bẫy thú to như răng bừa (bẫy gấu, bẫy lợn rừng hàng tạ), tới đủ loại thú rừng quý hiếm bán cho nhà hàng tiết lộ: “ngòi nổ” chỉ là các tin nhắn trên internet, hoặc các lời tâm sự “nhẹ nhàng” trên mạng xã hội, rồi họ làm quen, trao đổi, lọc dần các đối tượng cài cắm (như Công an, Kiểm lâm, Điều tra viên nói chung…) rồi giao dịch.

Hiện nay, trên “chợ ảo” là các trang mạng xã hội có rất nhiều hội, nhóm được lập ra để quảng bá, buôn bán thú rừng quý hiếm, cấm săn bắt, buôn bán với bất kỳ hình thức nào. Ảnh: Phóng viên chụp màn hình khi các đối tượng chào hàng cuối tháng 2/2022.

“Tổng kho” có thể rất lớn, song nó không ngồi nhà mà bán hàng được, nên phải dẫn dụ từ trên mạng một cách tinh vi nhất.

Đóng tiền để “bảo kê” cả mùa săn bắt trái phép

Có khi họ dùng từ “bảo tồn” để thay cho từ “mua thịt thú rừng”; có khi dùng từ “nhượng lại đồ săn” để nói về một kho súng mua bao nhiêu cũng có, giữ uy tín “bảo hành, đổi trả, sửa chữa, cung cấp linh phụ kiện”. Nhiều vụ, khi công an ập vào, kho hàng la liệt súng săn, nhìn “khủng” hơn trong phim hành động.

Chúng tôi vào vai khách hàng. Các đối tượng bán hàng chục loại súng săn, súng sát thương, cứ ứng tiền là có. 

Họ có thể tháo rời súng, chuyển dần qua các đơn vị được cấp phép vận chuyển hẳn hoi (chúng ta gọi nôm na là “qua bưu điện”). Nhận phần nào, trả tiền phần đó, rồi có video hướng dẫn tháo lắp vận hành, có địa chỉ đường dẫn theo dõi đơn hàng.

Ở bãi giữa sông Hồng thuộc tỉnh Phú Thọ có người dân dân hàng ngày săn bắt được hàng trăm cá thể chim, sau đó làm sạch lông rồi rao bán trên các trạng mạng xã hội. Phóng viên đã đến tận nơi và chứng kiến đúng như những gì đối tượng buôn bán đã quảng cáo. Ảnh: Lam Anh

Ở Phú Thọ, Yên Bái và các tỉnh Tây Bắc, đúng mùa săn bắn trái phép (mùa xuân) cuối năm 2021, đầu năm 2022, chúng tôi chứng kiến người dân vô tư đem bẫy thú lớn ra bán tại chợ Mù Căng Chải. Có người đưa về nhà cho xem các loại súng săn.

Xem ảnh khỉ mặt đỏ, đủ loài chim thú quý họ bắn được và “vào nồi” hết rồi. Rồi có khi, đang “giao dịch” thì ông chủ bị công an bắt, thu giữ cả súng lẫn người mua kẻ bán. Kệ, ai rơi rụng cứ rơi, các đối tượng còn lại vẫn đi săn, bán thú rừng cho nhà hàng và thu bộn tiền.

Họ tiết lộ: làm quen với một số cán bộ, “hàng” của họ được thợ săn vận chuyển về, qua trạm, cứ nói “của anh H” là qua hết. Có thợ săn chim trời quý hiếm bảo: họ dùng ắc quy điện phát loa gọi chim, giăng lưới mờ bắt chim, siết điện dọc sông Hồng bắt tất các loài chim cá; để tránh bị bắt, nhiều khi phải “đóng phế” cho cán bộ địa phương theo mùa.

Bấy nhiêu tiền, thì em đánh cả mùa (3 tháng ròng), anh không kiểm tra đến cả bãi nổi mênh mông và hai bờ sông chỗ này. 

Nếu không có ghi âm, ghi hình, các bức ảnh cả khoang thuyền loang máu ĐVHD, chắc chúng tôi không dám tin vào chuyện vừa kể kia.

Việc giao dịch diễn ra gần như công khai, hàng bán với số lượng lớn. Thú rừng từ Lào, rừng Việt Nam bị bắn bẫy, các ông bà trùm cho biết, họ bỏ hàng chục triệu đồng đầu tư mua tủ trữ đông, trang bị đồ đi rừng cho các thợ săn và đại lý thu gom. Ảnh: Lam Anh

“Hàng cấm” vẫn gửi chính quy và “theo dõi đơn hàng online” vô tư

Có hàng “rừng” rồi, họ bán theo nhóm người trên mạng xã hội. Tung thông tin ra là có người gọi và giao dịch ngay. Thường là bỏ mối quen (đã “kết bạn” khi tin tưởng), ế lắm mới giao dịch với kẻ lạ. Một giao dịch có thể lên tới 10 nghìn con chim trời.

Nhiều đối tượng rất tinh vi. Có con cầy vừa bẫy về, họ quay video con vật bê bết máu, rồi gửi từng thực khách quen hoặc đưa lên nhóm trên mạng xã hội. Có khi con vật béo núc, chẳng bị thương, họ bẻ gẫy chân cho giống dính bẫy, khách sẽ thích hơn, tin hơn.

Phổ biến nhất là tình trạng các đối tượng liên kết với nhau trong các hội nhóm, tăng khả năng giao dịch trên toàn quốc, thậm chí ra cả các nước khác với đường dây lớn. 

Họ “chốt đơn” rồi cảm ơn nhau, đưa thông tin bản chụp màn hình chuyển tiền lên mạng “ầm ầm” để các thành viên khác tin tưởng; rồi thậm chí bóc phốt tố cáo nhau lừa đảo.

Thú rừng dính bẫy đầy thương tật còn sống đang được bày bán ven quốc lộ gần Cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Ảnh chụp tháng 1/2022.Ảnh: Lam Anh

Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng khá biết “giữ uy tín” để làm ăn lâu dài. Họ đưa “hàng” lên (đây là kẽ hở của chúng ta trong quản lý) rồi cam kết có đúng cái hàng thú rừng quý hiếm đó, ai mua thì ngã giá “inbox” (chat riêng) rồi gửi hàng.

Thật tai hại là hàng cấm buôn bán, cấm săn bắn bẫy bắt, cấm sử dụng, nhưng các đối tượng vẫn giao dịch đủ cách, đều thành công. Vận chuyển bằng xe khách, bằng máy bay, thậm chí bằng “bưu điện” có đơn hàng, có theo dõi lịch trình đơn hàng hẳn hoi.

Chúng tôi rất ngạc nhiên với điều này, vì các nhà xe, các hàng vận chuyển đều cần cam kết không vi phạm lĩnh vực đấu tranh chống các đường dây, tụ điểm buôn bán ĐVHD. Song, các giao dịch, qua theo dõi bằng nghiệp vụ của chúng tôi, chúng tôi chứng kiến bên bán bên mua “thành công rực rỡ” cả.

Lĩnh vực này cũng không bị điều tra quá gắt gao như hàng quốc cấm (súng đạn quân dụng hay ma túy chẳng hạn); nên các đối tượng không yêu cầu người mua phải thanh toán 100% tiền trước khi chuyển hàng. Mà họ có hình thức nhờ shiper (người vận chuyển, xe khách) hay thậm chí “bưu điện” thu hộ tiền. Nên không ai lừa được ai. Chính vì yếu tố này, mà giao dịch của họ đích thực như một cái chợ rất tinh vi và “hiệu quả” theo cách nghĩ của họ.

Tháng 1/2022, chúng tôi chứng kiến nhiều loài hoang dã bị bắt, bẫy, thương tật, bày bán công khai cho thực khách ven đường lớn, trong các nhà hàng ở Quảng Trị. Ảnh: Lam Anh

Chúng tôi đã theo các đối tượng buôn hàng trăm, hàng nghìn cái mỏ chim hồng hoàng và cao cát (loài cùng họ với hồng hoàng, mỏ hồng hoàng có thể đắt gấp 3 lần so với ngà voi cùng trọng lượng) to đùng về tận nhà họ ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Đúng như những gì trên mạng và đúng như những kết quả “ship hàng” mà các đối tượng trong cuộc đã cho xem, đã tiết lộ trước đó. 

Cả một khu vực “cắt đầu, đẽo mỏ” loài chim quý trong Sách đỏ, các cổ chim con chim khổng lồ đến từ “cổ tích, thần thoại” còn máu me be bét hiện ra. Cũng từ đây, rất nhiều cá thể khỉ, voọc, “chân tay” nghều ngào được phanh thây làm món nhậu, gom xương nấu cao. 

Đầu lâu linh trưởng nhe răng trợn mắt. Trông như thủ cấp người. Hộp sọ chúng bị bổ ra, chủ lô hàng đồng thời là chủ quán nhậu bắt đầu quảng bá món ăn sống óc khỉ, voọc, khi chúng vẫn sống và chắp tay vái lạy các thực khách…

Giăng bẫy, theo dõi đối tác

Thủ đoạn phổ biến nữa là: họ đưa video các mặt hàng lên, có tiếng nói của người bán rất rõ. Họ vác cả một con gấu khi đã nhồi tiêu bản rất “oai phong” mà nói ra rả để bán hàng. Họ chụp ảnh cảnh mổ bụng gấu ra, vạch hai lá gan, moi ra đùm mật gấu to xanh, tươi nguyên. Rồi sấy khô. 

Họ cho xem cả một sàn nhà năm bảy xác hổ lớn đang giết mổ, rồi nồi cao sôi xình xịch. Rồi câu nhử khách. Họ xếp 50 bộ sừng hoẵng la liệt nền nhà, xếp các loài đồi mồi (rùa biển) sau chế tác thành “núi”. Rồi tạo “comments” (lời bình) khen cao “ngon” và tôi mua dùng rồi quá “uy tín”.

Từ “làm quen” trên mạng xã hội, chúng tôi được kiểm tra và cho vào gặp “Đại gia hổ” với căn phòng như thế này và rất nhiều cao hổ và bí mật về trang trại hổ hàng trăm con…”. Ảnh PV Dân Việt khi vào vai tại tỉnh Hà Tĩnh.

Thế là bán hàng giá rẻ, người mua không biết cái mình nhận được là cao con gì. Tuy nhiên, các cảnh trên, rõ ràng hầu hết khách hàng thông thường thật khó nhìn thấy ở ngoài đời bao giờ. Thì nay, họ xem video, xem ảnh rất “sinh động”; họ chat, thậm chí video call (nói chuyện có hình) với người bán. Nhiều người thừa nhận “không muốn tin cũng phải tin”.

Để tránh bị cơ quan điều tra hoặc báo chí bóc mẽ hoặc lập hồ sơ đề nghị rồi bắt giữ, các đối tượng luôn tạo một mạng lưới đề phòng khá cao tay. 

Có khi đối tượng ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chỉ rao bán nhang trầm một trăm nghìn đồng hai gói, rồi dụ chúng tôi đến nhà và bán cả da hổ, tay gấu nguyên chiếc, nanh – răng – mật – xương hổ và gấu được họ trực tiếp săn từ các nước Đông Nam Á về rất nhiều.

Nhiều loài hoang dã, quý hiếm, được bảo vệ trên toàn cầu đã bị các hội nhóm buôn bán tưng bừng qua internet, mạng xã hội. Khi gặp các đối tượng, tiến hành điều tra, chúng tôi đã xác thực các “rao bán” trên là có thật. Tàn sát tận diện thật thông qua “thế giới ảo”. Ảnh do các đối tượng chụp gửi cho Phóng viên khi vào vai “đối tác làm ăn”.

Có đối tượng gọt các sừng hoẵng thành chạc ba buộc dây vào để bắn súng cao su (núp bóng đồ mĩ nghệ); rồi làm quen và đưa khách vào thế giới đủ loại hàng cấm. 

Có đối tượng vào hội giao lưu đồ cũ, đồ cổ, rồi bán vài cái sừng hươu, sừng hoẵng cổ xưa vừa sưu tầm được (ít bị cấm), sau đó, khi khách cắn câu, sẽ được đưa vào nhà các ông trùm mà hổ tạ bị lột da treo tiêu bản nguyên con kín tường. Họ bảo, “có đứa em sở hữu trang trại hổ bên Lào vài trăm con, em toàn đi sang đó nấu cao”. Cao hổ chất đầy tủ được trưng ra.

Đối tượng buôn hổ, gấu, cầy hương ở Tây Nguyên rình lại chúng tôi khi đã tạo cuộc hẹn ở TP Kon Tum. Họ hẹn ra quán cà phê, rồi ngụy trang (hai bên chưa biết mặt nhau) theo dõi xe cộ, lời ăn tiếng nói, cung cách và quân số của đối tác rồi… tùy cơ ứng biến.

Có kẻ nói thẳng: tôi nghi ngờ các anh, dừng lại nhé. Có kẻ vĩnh viễn không nghe điện thoại. Có kẻ đem theo nhiều người ở nhiều tỉnh thành (trong nhóm của họ) rồi bù khú tìm cách phân tích các kẽ hở mà đối tác có thể có: quê quán ở đâu, quê đó có cái gì? Mua hàng gì; hàng đó anh vẫn mua của ai; tên gì, giá bao nhiêu; rồi xuất đi đâu? 

Nhiều kiến thức, nếu là con buôn, ai không biết thì chỉ có là “cài cắm điều tra”. Nhiều đối tượng xin chụp ảnh với chúng tôi để tiếp tục… tìm hiểu trước khi làm ăn to. Rồi đưa ảnh người và xe của đối tác lên nhóm để bảo mọi người: tránh xa hoặc xử lý chúng nó nếu gặp!

Thông tin, hình ảnh do các đối tượng gửi cho Phóng viên khi vào vai “đối tác làm ăn”. Ảnh: Lam Anh

Mạng xã hội có chức năng thu hồi ảnh, video. Nên, sau khi thấy báo cáo là đối tượng “đã xem”, các đối tượng thường thu hồi tư liệu lại. Một là tránh lộ nhiều về thân phận, dù ảnh đã “biên tập” kĩ trước khi gửi; hai là, theo cách họ phổ biến kinh nghiệm cho nhau, để nhiều ảnh “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” trên MXH quá sẽ bị “quét”, “xử lý tài khoản”.

Hoặc họ không bao giờ cho biết địa chỉ thật, kể cả tài khoản ngân hàng thu tiền cũng chưa chắc mang tên thật của họ. 

Lúc giao hàng, họ nói thẳng: nếu có bị bắt, thì tội nặng lắm, anh (người mua) cẩn thận nhé, rùa biển, hổ, gấu, toàn con đắt đỏ trên “chợ đen” và bị bắt là bị khởi tố hình sự. Vì thế em sẽ hẹn giao hàng và em không thể xuất hiện, anh cũng không thể bắt tội shiper. Rất sòng phẳng. Tiền cứ tôi thu, hàng tôi giao đàng hoàng, còn “chân tướng” của tôi thì anh không bao giờ biết được.

Khi là “người trong cuộc”, chúng tôi được chào mời mua những món đồ “quái đản”: khắc tượng phật lên nanh hổ, răng thú quý hiếm để bán cho người ta đeo với mong muốn hưởng phúc lành. Đây là một điều hết sức quái đản. Các vị thần, Phật và lương tri thời đại không chấp nhận việc này. Ảnh do các đối tượng buôn bán ở Tây Nguyên gửi cho Phóng viên.

Mạng xã hội có chức năng thu hồi ảnh, video. Nên, sau khi thấy báo cáo là đối tượng “đã xem”, các đối tượng thường thu hồi tư liệu lại. Một là tránh lộ nhiều về thân phận, dù ảnh đã “biên tập” kĩ trước khi gửi; hai là, theo cách họ phổ biến kinh nghiệm cho nhau, để nhiều ảnh “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” trên MXH quá sẽ bị “quét”, “xử lý tài khoản”.

Hoặc họ không bao giờ cho biết địa chỉ thật, kể cả tài khoản ngân hàng thu tiền cũng chưa chắc mang tên thật của họ. 

Lúc giao hàng, họ nói thẳng: nếu có bị bắt, thì tội nặng lắm, anh (người mua) cẩn thận nhé, rùa biển, hổ, gấu, toàn con đắt đỏ trên “chợ đen” và bị bắt là bị khởi tố hình sự. Vì thế em sẽ hẹn giao hàng và em không thể xuất hiện, anh cũng không thể bắt tội shiper. Rất sòng phẳng. Tiền cứ tôi thu, hàng tôi giao đàng hoàng, còn “chân tướng” của tôi thì anh không bao giờ biết được.

Theo: Báo Dân Việt


Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

back to top