“Hãy lên tiếng, hãy bảo vệ tê giác!” cùng các doanh nhân, bác sĩ, chính trị gia Việt Nam

Nhiều doanh nhân, chính trị gia, bác sĩ và người nhà các bệnh nhân đã đồng loạt cất tiếng nói của mình qua loạt phỏng vấn “Hãy lên tiếng, hãy bảo vệ tê giác!” trong tháng Bảy năm 2016 vừa qua. Đây là hoạt động truyền thông mới nhất của chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê” do CHANGE phối hợp cùng WildAid và African Wildlife Foundation thực hiện nhằm huy động tiếng nói từ các cộng đồng khác nhau trong xã hội để cùng ngăn chặn thực trạng buôn bán và sử dụng sừng tê giác trái phép tại Việt Nam hiện nay.

bts-2

 

Với ba nhóm đối tượng chủ đạo là doanh nhân, chính trị gia, bác sĩ và người nhà bệnh nhân, loạt phỏng vấn đã khắc họa rõ nét những niềm tin, động cơ khác nhau trong việc mua bán và tiêu thụ sừng tê đồng thời làm sáng tỏ những thắc mắc, trăn trở của công chúng sản phẩm này.

Xuất phát từ niềm tin rằng sở hữu sừng tê thể hiện quyền lực và địa vị xã hội, cũng như chứng tỏ được khả năng tài chính rộng rãi của mình, bên cạnh đó, làm việc trong môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều đối tác và khách hàng, doanh nhân có thể trở thành khách hàng chủ động hoặc bị động mua và sử dụng sừng tê giác. Từ thực trạng đó, hoạt động cũng đã tiếp cận những doanh nhân có tầm ảnh hưởng là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam nhằm lắng nghe tiếng nói ủng hộ của họ với mong muốn đó sẽ là động lực thôi thúc các doanh nhân khác cùng cam kết nói không với việc sử dụng sừng tê nói riêng và các sản phẩm từ động vật hoang dã nói chung. Các doanh nhân ủng hộ bao gồm ông Lê Quốc Phong – Tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền, Bà Nguyễn Thanh Mai – Giám đốc Thẩm mỹ viện BB Beaute’ – BB Thanh Mai, Ông Nguyễn Quốc Cường – Giám đốc công ty USIS. Từng là người đã mua sừng tê giác để chữa bệnh cho cả bố và bà của mình, ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc công ty Greenlines DP – DP Consulting kể lại: “Thực tế tôi thấy rằng bà của tôi đã qua đời sau đó cho dù cũng đã sử dụng rất nhiều sừng tê, ba của tôi bệnh tình cũng là như thế. Cá nhân tôi thấy sừng tê không có những cái (tác dụng) như người ta đồn thổi.”

tran-song-hai

 

Các bác sĩ và những người nhà của bệnh nhân cũng đã chia sẻ các câu chuyện thật liên quan đến những niềm tin vào các lời đồn thổi vô căn cứ để rồi họ mua sừng tê với hy vọng chúng có thể giúp chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, sự thật là sừng tê giác không phải là thần dược, các bác sĩ uy tín đã khẳng định chúng chẳng có công dụng thần kỳ nào vì bản thân những người bệnh đã dùng và đều qua đời. Giờ đây, những người nhà của bệnh nhân này trở thành những minh chứng sống cụ thể nhất, họ đại diện những người trong cuộc lên tiếng mạnh mẽ khuyến cáo tới tất cả những người đã, đang và sẽ tin vào những lời đồn đại đừng lãng phí tiền một cách vô ích để mua sừng tê giác. Với mong muốn chữa bệnh ung thư gan giai đoạn 3 cho bố, ông Nguyễn Hải Thanh (hiện đang sinh sống tại Quận 2, TP. HCM) đã mua sừng tê sau khi được giới thiệu về tác dụng kỳ diệu giải độc của sừng tê. Ông Thanh chia sẻ: “Sừng tê không có một tác dụng gì, thậm chí người bệnh có thể hưởng các phương thức chữa khác vì với số tiền đó có thể dành chữa cách khác. Người bệnh thì vẫn mất, gia đình mất số tiền lớn. Nó còn ảnh hưởng đến thiên nhiên môi trường và các loài động vật hoang dã.”

nguyen-hai-thanh

 

Để các nỗ lực bảo tồn đạt được thành công thì không thể thiếu sự tham gia của các cơ quan chính quyền, đây cũng là cộng đồng được nhóm sản xuất loạt phỏng vấn dành nhiều thời gian trò chuyện. Dù tê giác đã chính thức tuyệt chủng trong tự nhiên tại Việt Nam, điều này vẫn không ngăn được lòng tham của các đối tượng buôn bán sừng tê giác, thay vào đó, chúng tiếp tục việc giết hại tê giác lấy sừng ở châu Phi và buôn lậu về Việt Nam nhằm thỏa mãn nhu cầu của những người có tiền. Tiếng nói từ đại diện của các cơ quan Nhà nước trực tiếp tham gia vào công cuộc ngăn chặn và triệt phá các vụ buôn lậu sừng tê sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến những người vì nhận thức sai lầm, vẫn đang tiếp tục tiếp tay cho các băng nhóm tội phạm. Các đại diện cơ quan chính quyền tham gia đến từ Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, Cục Hải quan TP. HCM,…

le-tuan-binh-pho-chi-cuc-truong-chi-cuc-cua-khau-hai-quan-tan-son-nhat

Ảnh: Ông Lê Tuấn Bình – Phó Chi cục trưởng – Chi cục cửa khẩu hải quan Tân Sơn Nhất.

Loạt phỏng vấn này sẽ được phát sóng vào tháng Chín và tháng Mười tới trên các đài truyền hình, các trang báo trực tuyến, cũng như các mạng xã hội chia sẻ tin tức và video để mong muốn tiếp cận được đến đông đảo công chúng, nhất là những người vẫn còn những niềm tin, nhận thức sai lầm về sừng tê giác và có ý định mua bán, sử dụng sừng tê giác.

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

back to top