Như đã phân tích, các trò quảng bá, buôn bán động vật hoang dã trên internet tưởng như mỏng manh, “ảo tung chảo” ở giữa “đường trời”, tưởng các con buôn chém gió lừa tiền kẻ nhẹ dạ thôi; nhưng thật sự: các “ngòi nổ” kia đã dẫn nhiều loài hoang thú vào cõi của đám “đồ tể” tận diệt thật sự
Nói khác đi, chợ ảo nhưng bán mua giết chóc thú rừng nhiều nhất trong các cái chợ ngoài hiện trường. Chúng tôi đã chứng thực và “chết đứng”.
Máu thú hoang từ mạng xã hội “chảy” ra các khu bếp đồ tể
Tại Đắk Nông, sau các quyết định phạt cả tỷ đồng với hành vi buôn bán kỳ đà vân do Chủ tịch UBND tỉnh này ban hành, những tưởng thị trường “hàng con” trên địa bàn sẽ hạ nhiệt. Song, dường như, điều ấy chỉ làm các con buôn thận trọng hơn thôi.
Một chủ nhà hàng “đặc sản thú rừng” ở huyện lỵ Đắc Mil, chỉ sau vài thao tác giao dịch trên mạng đã hồ hởi đề nghị giết tê tê cho khách thưởng thức.
Nhà hàng H.N gần đó thì đưa chúng tôi xem một thực đơn thiết kế trang trọng với những cái tên thú rừng cấm buôn bán giết mổ. Khách tỏ vẻ không tin, anh chủ to béo lôi xềnh xệch cả nhóm ra xem cheo cheo, lợn rừng, cầy hương, hoẵng rừng các loại đang nhốt trong lồng, đang bị giết mổ tưng bừng.
Nghi ngút nước nóng làm lông. Những con thú bị thương, máu chảy từ tin nhắn mạng xã hội chào mời, lúc khách đến, chúng vẫn loang máu ngoài bể nước nằm chờ.
Tương tự, sau các án phạt hơn nửa tỷ đồng vì buôn bán ngà voi, các thủ phủ chất ngất đầu lâu thú, rồi cả ngà voi đã chế tác và nguyên khối như khúc thân chuối hột đã thận trọng hơn. Họ bắt đầu cho khách hẹn “leo dây”. Có khi hẹn ra công viên, có khi mời ra gần khu nghĩa trang giao dịch một cách rất hình sự.
Cuối cùng, nhiều kẻ đã đánh tháo khi cảm thấy chưa an toàn. Vài chủ vựa bán ngà voi, sau khi kiểm tra đủ thứ thông tin, thì thận trọng thì ôm ra lủng củng toàn ngà voi dạng miếng, dạng vòng với các lời phân tích về phương pháp “ngoại giao” để tồn tại được khi cơ quan chức năng ra chiến dịch xử lý.
Bất ngờ nhất là ở Quảng Trị. Tại huyện Cam Lộ, nhà hàng Q.Hương, chúng tôi giả đò vào xem hàng để đặt cho tươi ngon, rồi gặp bà chủ với đầu bếp tại gian chế biến thức ăn.
Họ trưng ra cả một tủ đông cầy, kỳ đà to bằng bắp đùi – đã cắt đầu đuôi, phanh thây với lớp da đen nhoáy. Nhiều loại thú quý khác, đặc biệt là trút (tê tê) họ sẵn sàng mang đến khi khách yêu cầu. Hàng rừng Việt Nam và rừng Lào đều có.
Một chủ tài khoản mạng xã hội “khét tiếng” vùng Khe Sanh, Lao Bảo (Quảng Trị) hoạt động đã gần chục năm. “Tọa lạc” gần trụ sở một đơn vị Hải quan, ven con đường huyết mạch lên Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, lại trục trặc hôn nhân, nên Nguyễn Thị L và vài “người đẹp” khác rất thân thiết với cánh lái xe tải đường dài. Xe cộ qua đây như mắc cửi.
Bỏ hàng chục triệu đồng cho người “đồng bào” mua tủ đông trữ hàng
Lúc đầu, L giết thú rừng cho khách ăn tại chỗ, sau tiến tới gửi xe tải, xe khách đường dài đi cả nước. Từ chỗ quen biết, người nọ giới thiệu người kia, qua hàng nghìn ngày làm ăn, giờ đây đường dây của nhóm “nữ trùm” đi rất xa, với quy mô hàng tạ thịt rừng mỗi ngày.
Nai, hoẵng, gấu, nhím; riêng cầy/chồn đã có gần chục loại; sơn dương tươi, khô. Hàng nguyên con, hay xẻ thịt cấp đông; hàng còn sống hay đã chết, đủ cả!
Điều chúng tôi hết sức bất ngờ là “trụ sở” với các tủ đông trữ vài tạ thú rừng quý hiếm của L lại ở ngay mặt đường nhựa. Xe khách tấp vào “ăn” hàng rừng, mỗi ngày hơn chục bận.
Đặc biệt, chúng tôi tận mắt chứng kiến và ghi hình: L để cả các lồng đựng cầy, chồn, don, nhím, dúi và nhiều loài thú bị thương khác ra rệ đường. Nhốt trong những cái lồng ô mắt cáo và cho ăn qua quýt để nó vẫn thuộc dạng “vẫn sống” cho người ta chọn. Bọn thú hoang tàn lụi, sứt lở, máu mủ thê lương.
Cùng nhóm với L có Kiều, một cô gái đẹp mặn mà, trẻ trung. Cả hai thu gom hàng từ Lào về, bất chấp dịch dã Covid-19 với các quy định phòng dịch khắt khe, họ cho người gùi hàng vượt biên. Họ tiết lộ: phải ứng tiền trước cho người gùi hàng, tung tiền cho họ thu gom thú rừng bên Lào, rồi mua cả gần hai chục triệu đồng một chiếc tủ đông cho họ bảo quản hàng.
Cầm đầu là một người đàn ông miền Bắc, vào đây ở rể, lúc đầu mở hiệu tạp hóa ở xã giáp biên. Giờ làm “hàng con”, chân rết làm ăn là các “bà trùm” khéo léo quan hệ với cánh lái xe đường dài, rồi mở rộng bán hàng qua mạng xã hội. Họ “phủ” khắp Nam Định, Thái Bình, ra Hải Phòng, Hà Nội (những nơi có nhiều lái xe đường dài, xe công-ten-nơ đi cửa khẩu quốc tế).
Những ngày ở Lao Bảo, tôi thử hỏi mua riêng cầy hương, L gom hàng được bao nhiêu con thú rừng Lào và rừng Việt nguyên lông, chưa cấp đông? L bảo, em lo được 40 con (!). Rồi chụp ảnh cho xem cả hàng, cả “công xưởng” giết mổ thú rừng. Chúng tôi đến nhà, thấy la liệt “hàng con”, tủ lạnh đầy ăm ắp. L mời cả K đến tiếp khách rất hồn nhiên.
Có cảm giác, không ai “truy quét”, “xử lý” một cách thật sự và hiệu quả các vi phạm buôn bán động vật hoang dã trên không gian mạng như cần phải có.
Bởi, không chỉ tung hình ảnh lên các hội nhóm (mà toàn hình ảnh L và K chụp hẳn hoi; từng ngày đều có hàng mới) mà hơn thế, họ còn công khai đưa lên mạng xã hội. Bất kì ai cũng có thể xem, mua, gọi cho hai “em” (và nhiều người) nữa để nhận hàng ở tại cửa hiệu hay ở bất kỳ đâu.
Họ công khai giữa ban ngày. Tất nhiên, như L nói: thỉnh thoảng cơ quan chức năng cũng ra quân. Bạn của L là chị H (ở thị trấn Khe Sanh) đã bị phạt tới hơn 40 triệu đồng do buôn bán tê tê (trút) nên L cũng sợ sợ.
Sợ thế thôi, giật mình tí thôi, vẫn đăng tải công khai, bày thú rừng ra tận phần đường nhựa “xuyên Á”, bán hàng cho cả cán bộ một số ban ngành (như L kể). Rồi cũng “khéo ăn nói” với họ để họ bỏ qua mà làm ăn.
Trong các tỉnh Tây Nguyên mà chúng tôi khảo sát, có lẽ, ngoài Đắc Lắc nổi tiếng với các “chợ ngà voi online” như đã mổ tả, thì thú rừng bị tàn sát ác nhất phải kể đến vùng Ea Soup của tỉnh này. Khu vực này giáp các khu bảo tồn màu mỡ của cả ta lần nước bạn, vì thế hàng nhiều. Trần Thị Ng rất có duyên ăn nói, nhiều năm bán hàng ở chợ huyện, cô này hầu như không đăng tải hình ảnh mình có hàng rừng ở trên mạng.
Chỉ toàn ảnh nhan sắc tươi cười. Giao dịch chỉ “inbox” (chat) cụ thể, sau khi có người giới thiệu và gặp ở “đại sứ quán” của Ng là sạp thịt lợn ngoài chợ huyện.
Cả huyện, cơ quan chức năng rồi cả chợ, đến hỏi hàng rừng ai cũng chỉ Ng. Và Ng cũng thừa nhận mình bị bắt, xử lý vì buôn ĐVHD “nhẵn mặt” rồi. Có hàng là “chào”, xem ảnh là chọn, chọn là gửi xe khách đi Hà Nội hay về Sài Gòn vô tư.
Đưa chúng tôi vào nhà, Ng vứt còng queo ra cả con hoẵng, cả con lợn rừng lông lá vàng ươm đen nhánh. Vài con nhím hoang dã to đùng. Tùy chọn, giá cả có rồi.
Giáp mặt “chợ thú rừng”
Từ các đường dây ở miền Trung, Tây Nguyên như thế; tình cờ chúng tôi gặp “người bạn xã hội” tên Nguyễn Xuân D., trùm buôn đồ cổ và thú rừng ở khắp vùng giáp ranh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Cách của D là: mỗi hội nhóm hàng rừng, hàng lạ, hàng độc, hàng cổ, hàng miền núi, D đều có tài khoản gia nhập. Ở đó, treo vài thứ vào “gian hàng ảo” kèm theo số điện thoại sim thật, sim “rác”.
Có khi cái sừng hoẵng, có khi cái mỏ hồng hoàng dài gần 40cm (!) được dân buôn tìm mua khắp chốn, có khi là một cái đèn măng xông thời bao cấp hoặc độc đáo hơn là cái ấn của một vị vua nào đó (có trời mà biết thật giả ra sao). Cứ treo thế, ai mua gì thì nhắn tin, kết bạn, lãi là bán.
D bảo, anh ta cung cấp cho một đầu mối chuyên mua mỏ hồng hoàng, cao cát; rồi mua rùa núi, mua cả các con thú mang từ Lào về. Dọc đường Hồ Chí Minh, chúng tôi ghé thăm “giao dịch thử” với D. Anh ta dẫn vào một khu giáp biên giới, chiều về, thợ săn cho vợ con đem bán hàng đông như hội.
Mấy cô mặc áo váy vùng cao thung thăng, đi xe máy, mang theo thỏ rừng, chồn, cáo nguyên lông. Có em học sinh cấp 3 vẫn mặc áo đồng phục với phù hiệu, mở trong chiếc làn trước xe đạp ra các con hồng hoàng sải cánh dài hơn 1,3m, cổ dài vài chục xăng ti. Cái đầu và cái mỏ bị cắt bán riêng giá “rất cao” rồi (họ dùng cái mỏ to và đặc của con chim để “điêu khắc” lên đó, như đối với ngà voi).
Những người đàn ông đi rừng cả tuần, cả tháng. Họ bắn được con gì, có thể mang về ngay để bán, có thể vặt lông, thui vàng để tránh bị phân hủy. Mỗi lần họ từ rừng Việt, xuyên sang rừng Lào rồi về, là vợ con lại đi bán hàng rừng.
Sợ nhất là những gì chúng tôi chứng kiến ở khu vực giáp ranh Hà Tĩnh, Quảng Bình này, liên quan đến loài linh trưởng. Ở quán nhậu thịt khỉ, thịt voọc; họ chỉ phân biệt, voọc đuôi dài hơn khỉ, tay cũng dài hơn, chứ không biết tính chất quý hiếm hay tính nguy cấp tận diệt của hai loài ra sao. Giá bán cũng không lệch nhau là bao.
Từng bó voọc nguyên con, tay chúng bị trói ngược lên đầu (cho gọn ghẽ), vì tay voọc quá dài nên nó vượt hẳn. Dài thượt lên phía trên rất lạ. Thợ săn trói bằng lạt tre tươi.
Con linh trưởng nào cũng toang hoác, óc bị moi trước, giờ đã sấy khô, mặt chúng vẫn nhăn nhó, ria răng, vẻ như vẫn sợ hãi và đau đớn lắm.
Chúng tôi lạc vào những gian bếp vài tạ thịt thú rừng gác trên giàn tre, sơn dương, nai, hoẵng, lợn rừng, cầy, khỉ, voọc, đủ cả. Các phần thân thể thú hoang vẫn còn nguyên từng tảng. Trong tủ đông, đủ cao động vật, đủ loại thịt rừng cấp đông.
Cả đoàn thợ săn dọc các xã biên giới cung cấp đều đặn mỗi ngày thú rừng cho các chủ vựa, rồi theo các “đầu mối” từ mạng xã hội, đặt hàng online, trả tiền qua tài khoản.
Với quy trình “hoàn hảo” đó, thú rừng nườm nượp theo xe khách tỏa đi khắp cả nước. Để tránh bị xử lý, tịch thu, lũ khỉ con bị bắt sống – sau khi khỉ bố mẹ bị sát hại chúng ôm xác phụ huynh mà chờ bị tóm – thì được nhốt trong cũi giữa rừng. Khách xem ảnh, video, ai ưng thì nửa đêm họ vào rừng cõng khỉ hoang về bán.
Mua xong khỉ, cầy, thì họ bắt đầu dụ dỗ mua hổ. Chúng tôi được đưa vào những ngôi nhà chồm hổm toàn những chú hổ nguyên con nhồi tiêu bản, rồi lạc vào thế giới các trang trại hổ được “đại gia Việt” đem tiền sang Lào đầu tư rồi nấu cao chuyển về Việt Nam bán. Chúng tôi mục sở thị các ngôi nhà ông trùm dạng này mà thấy lạnh tóc gáy.
Nếu cơ quan chức năng thật sự ra quân, “chợ ảo” nào cũng bị dẹp!
Quả thật, đi điều tra ở lĩnh vực này đã nhiều năm, thường thì, chúng tôi cũng không dễ gì lọt được vào những “hang ổ quái dị” như đã mô tả ở trên. Bởi, ở ngoài xã hội, các trùm chỉ khoe một góc kho hàng nếu có giao dịch lớn.
Còn với “chợ trên internet”, chúng tôi “phiêu du” tới khắp mọi miền, chứng kiến đủ thứ người ta trưng ra với niềm tin rằng không ai bắt được họ, nên nó phản ánh rất trung thực từng ngóc ngách và khá quy mô của sự tàn sát thú hoang cho các nhu cầu nhẫn tâm của giới “hám đồ rừng”. Không chỉ bán buôn ở Việt Nam, mà còn trung chuyển sang nước khác.
Không chỉ nhìn thấy trên hình ảnh “trên màn hình” xa xôi, chúng tôi đã đi tận nơi, gặp từng đối tượng, chứng thực những gì họ bán y như trong lời quảng bá. Chứng kiến họ bán giữa thanh thiên bạch nhật, khỏi cần lén lút.
Hoặc ít ra, sự lén lút đó không đủ để che mắt được các cơ quan điều tra, nếu tất cả chúng ta thật sự vào cuộc. Như đã phân tích, giao dịch có thật, nhận tiền và giao hàng thật, gọi điện là họ nhấc máy, di tay chát là họ trả lời. Vì lợi nhuận, họ rất đeo bám khách.
Xin nhắc lại, chỉ cần quảng cáo buôn bán ĐVHD thôi, đã đủ vi phạm rồi, chưa cần phải chứng minh là có hàng cấm hay không, có nhiều hay có ít.
Nếu cơ quan chức năng thật sự vào cuộc, hoàn toàn có thể ngăn chặn được, khi xác minh tài khoản điện thoại và mạng xã hội của những kẻ có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Hình sự mà chúng tôi sắp kể ra dưới đây. Lúc ấy, bài toán đơn giản: tại sao thường dân nhấp chuột trên mạng xã hội, trên internet, không thấy và không dễ dàng mua được khẩu súng quân dụng hay bánh heroin?
Vì chúng ta xử nghiêm và điều tra quyết liệt, khó có vi phạm nào qua mắt được cơ quan chức năng (nếu trưng ra quảng bá)?
Vậy tại sao các vi phạm như: ship hổ tới tận nhà; bán hàng chục con voọc quý bị giết, moi óc sấy khô; bán rùa biển rồi hồng hoàng, kỳ đà vân, tê tê (các mặt hàng buôn bán là hầu như có thể bị khởi tố hình sự) tràn lan? Lên mạng là thấy, gọi điện là có người nghe, đặt hàng là có người ship “kiểm tra hàng mới thanh toán tiền”.
Bằng quyền điều tra của mình, chiểu theo luật Việt Nam và các công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có thể thấy rõ: nếu chúng ta thật sự muốn ngăn chặn nạn buôn bán thú rừng qua “thế giới ảo”, tôi nghĩ, không có gì là khó cả.
Cho nên, vấn đề ở đây là cần thêm quyết tâm từ nhiều phía, cần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật như cần phải có để bảo vệ các giá trị đem lại bình an chung cho cộng đồng, cho nhân loại tiến bộ. Nhất là trong bối cảnh dịch dã hành hoành, mà chúng ta đã biết chắc: ĐVHD là vật chủ trung gian lây truyền dịch bệnh nguy hiểm, từ SARS, Ebola đến Covid-19…
Quá trình điều tra nạn buôn bán ĐVHD qua internet, chúng tôi đã vào tận nhiều hang ổ, quay phim, chụp ảnh và tố cáo xử lý nhiều đối tượng trùm sò. Song, qua hành trình này, mới hiểu rằng: sức mạnh đáng sợ của “công cụ mạng xã hội” khi nó được sử dụng vào việc làm phi pháp, xâm hại đa dạng sinh học, đưa xã hội trước bờ vực lây lan bệnh tật nguy hiểm từ vật chủ trung gian là ĐVHD. Không dễ gì người ta cho bạn thấy những thảm cảnh như loạt bài này đã mô tả, nếu không là buôn bán qua mạng xã hội.
Cả sàn nhà toàn da hổ nguyên chiếc đã chế tác, cả khu công xưởng toàn hổ “nguyên con” đã nhồi tiêu bản để xuất bán. Cả bộ “chân, tay” 4 chiếc của gấu, hổ, sư tử đã lóc da thịt, chằng chịt lòng khòng xương và móng vuốt để lên bàn cân bán. Các nồi cao hổ sôi ầm ầm, trong khu bếp gần chục con hổ tạ năm phơi xác.
Các góc vườn với nhân công giết mổ thú rừng để kịp giao cho khách khắp mọi miền tổ quốc. Tất cả những bức ảnh đăng trong bài này, cơ bản đã được chúng tôi chứng minh, tận mắt chứng kiến, nó là sự thật.
Đón đọc Bài cuối: Cần “mạnh tay” hơn trong xử lý buôn bán động vật hoang dã trên thế giới ảo
Theo: Báo Dân Việt