Ngay sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng tải loạt bài phản ánh tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) từ đời thực đến “thế giới ảo”, cơ quan chức năng nhiều địa phương đã vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ở diễn biến khác, một chuyên gia về pháp luật có uy tín nhấn mạnh rằng: “Cần có Luật Bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD).
Xử phạt “bà trùm” chưa “xứng tầm” với vi phạm mà nhà báo ghi nhận
Ngay trong ngày, khiBáo điện tử Dân Việt đăng tải Loạt bài viết phản ánh tình trạng buôn bán ĐVHD phổ biến từ đời thực lẫn trên “thế giới ảo”, lực lượng Kiểm lâm đã tiếp nhận thông tin, nhanh chóng cử lực lượng đi kiểm tra, xử lý vi phạm.
Cụ thể, ngày 3/3, ông Bùi Quang Duẩn, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị) đã thông tin cho Phóng viên Dân Việt: “Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã xử lý các hành vi vi phạm của bà Nguyễn Thị L, chủ cửa hàng tạp hóa tại thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị”.
Ông Duẩn cho biết: “Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động nhanh chóng vào cuộc Kiểm tra trong nhà và tủ đông lớn của nhà bà Nguyễn Thị L. Qua Kiểm tra phát hiện một số lượng thịt heo, thịt không còn tươi, kiểm tra quanh nhà không thấy có hiện tượng nuôi nhốt động vật rừng”.
“Ngoài ra phát hiện bà L đặt biển quảng cáo buôn bán động vật rừng, khi đó Đội Kiểm lâm cơ động đã phối hợp với Chính quyền địa phương Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi quảng cáo buôn bán động vật rừng với mức phạt là 1.250.000đ (một triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng) và tịch thu bảng hiệu” – ông Duẩn nói.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và xử lý nếu phát hiện bà Nguyễn Thị L tiếp tục vi phạm” – Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị khẳng định.
Trước đó, như Dân Việt đã điều tra và phản ánh, một chủ tài khoản mạng xã hội “khét tiếng” vùng Khe Sanh, Lao Bảo (Quảng Trị) hoạt động đã gần chục năm. “Tọa lạc” gần trụ sở một đơn vị Hải quan, ven con đường huyết mạch lên Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, bà Nguyễn Thị L buôn bán động vật hoang dã như nai, hoẵng, gấu, nhím; riêng cầy/chồn đã có gần chục loại; sơn dương tươi, khô cả một tủ đông lớn.
Hàng nguyên con, hay xẻ thịt cấp đông; hàng còn sống hay đã chết, đủ cả. Các video thể hiện rất rõ điều này. Đáng tiếc là kết quả kiểm tra, xử phạt chưa “xứng tầm”.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính (Bộ Tư pháp) lên tiếng
Sau khi đọc loạt bài kể trên của Báo điện tử Dân Việt, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết: “Nên có Luật về Bảo vệ ĐVHD (riêng) thì làm rõ hơn được các vấn đề như: quản lý thế nào, bảo vệ các loài hoang dã nào ở mức độ thế nào thật cụ thể. Mùa gì không được săn, loại động vật nào thì không được săn, cần phải quy định rõ hơn. Chứ như hiện nay, nhiều thứ chưa rõ ràng”.
Bà Thoa cho biết thêm: “Hiện nay dù có những đổi mới về việc xử lý các vi phạm liên quan đến ĐVHD. Nghị định 06/2019/NĐ-CP về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được sửa đổi bởi Nghị đinh 82 đã có nhiều chế tài nghiêm khắc hơn rất nhiều.
Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 07/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi… – thì ĐVHD được bảo vệ gồm cả động vật rừng thông thường, tức là đã mở rộng rất nhiều. Vì thế, mọi hành động săn bắt, giết mổ, buôn bán liên quan đến ĐVHD đều bị xử lý hết, mức phạt từ 1 triệu đồng đến 300 triệu tùy vào hành vi, mức độ”.
Từ những cơ sở pháp luật trên, bà Thoa cho biết: Việc buôn bán ĐVHD tràn lan trên mạng xã hội là hoàn toàn có đầy đủ quy định để xử phạt, xử lý hành chính kịch khung 300 triệu đồng. Như chúng ta đã biết, buôn bán động vật rừng thông thường, với số lượng và giá trị hàng lớn, có thể bị xử lý hình sự nghiêm khắc, phạt lên tới tiền tỷ, chứ chưa nói động vật quý, hiếm, được bảo vệ đặc biệt.
“Luật Hình sự có Điều 234 quy định về tội vi phạm quy định đối với các loài ĐVHD được ưu tiên bảo vệ, Điều 244 quy định Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm chứ không phải bảo vệ tất cả các lài ĐVHD nói chung” – bà Thoa nói.
Ngoài ra, nguyên Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng: “Pháp luật ở nước ta đang “trống vắng” về lĩnh vực này. Ví dụ như ở nước ngoài Luật về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản mùa nào được săn, loại nào được săn, và khi săn phải dùng loại lưới như thế nào để rồi, trên cơ sở đó họ quy định việc xử lý vi phạm rất cụ thể.
Còn liên quan đến vi phạm ĐVHD không được quy định rõ. Loài ở dưới nước thì thuộc luật bảo vệ nguồn lợi thủy sản, loài sống ở trong rừng thì bảo vệ theo luật Lâm nghiệp và xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, còn không ít loài hoang dã như chim di cư rồi tất cả con sống trên đời thường mà không dưới nước, không trong rừng thì… chưa thấy quy định rõ ràng cụ thể… ở đâu!”.
Theo: Báo Dân Việt