Phóng sự điều tra: Những chiêu trò tàn sát thú rừng Bài 2: Trong hang ổ của “trùm” buôn bán ĐVHD xuyên lục địa

Series Phóng sự điều tra: Những chiêu trò tàn sát thú rừng được thực hiện bởi nhóm phóng viên báo Dân Việt nhằm hé lộ cho độc giả những chi tiết bên trong những “phi vụ” săn bắt và buôn bán ĐVHD trái phép của những kẻ chuyên buôn hàng con (thú rừng). Hơn một năm ròng theo sát cũng như tiếp xúc điều tra, các phóng viên đã được tận mắt chứng kiến cả một thế giới khốc liệt, thảm sát hoang thú cùng sự tàn nhẫn và chà đạp lên các quy định pháp luật của những kẻ buôn lậu. 

Xem Bài 1: Mánh khoé “hoá kiếp” đủ loại thú rừng trong Sách đỏ tại đây

BÀI 2: TRONG HANG Ổ CỦA “TRÙM” BUÔN BÁN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ XUYÊN LỤC ĐỊA

Khia xâm nhập thế giới của những kẻ buôn hàng ngà (ngà voi), hàng vảy (tê tê), hàng con (động vật hoang dã), rồi hàng tê (sừng tê giác),… chúng tôi sững sờ trước quá nhiều “hàng độc” với các chiêu thức quái dị. Không chỉ là các hành vi lén lút buôn bán động vật hoang dã quý hiếm trái phép để trục lợi, không chỉ là nhẫn tâm kiểu mông muội “con người là chúa tể và ăn tiệt giống tất tật các loài còn lại”. 

“Để nguyên hổ và sư tử thế này chứ”

Lương (nhân vật đã được đổi tên) – tay buôn – sau thời gian thăm dò thận trọng và bài bản, đã bắt đầu ngả bài với chúng tôi ở các địa điểm giáp ranh các huyện Yên Thành và Diễn Châu (tỉnh Nghệ An). Hổ con ở đâu ra? “Họ mua hổ con từ Lào về hoặc mua hổ “bán trộm” từ khu sinh thái nuôi hổ “bảo tồn” mà tự dưng hổ đẻ, ông chủ không biết. Vài trăm triệu một đôi hổ con chứ rẻ à. Nó chết thì ngâm rượu, buộc dây sắt tạo thế “rồng cuộn hổ ngồi” tửu táng cho chúng mà bán để dân chơi vừa uống vừa ngắm”, Lương vừa lái chiếc bán tải phiên bản mới nhất vừa rủ rỉ.

Nhóm chúng tôi tận mắt xem công nghệ “uốn tay chân hổ” trong bình rượu và chụp ảnh. Vừa qua, đối tượng Lô Văn Tuấn, SN 1990, người xã Châu Thôn, huyện Quế Phong đang mang hổ từ “đồng bằng” (nơi chúng tôi đang có mặt) qua thị xã Thái Hòa để bán thì bị công an tỉnh Nghệ An bắt. Tang vật là hai con hổ nhỏ mới chỉ nặng 1,7 kg. Sau khi tài liệu điều tra của loạt bài này được chúng tôi mang đến tận phòng làm việc nộp cho Công an tỉnh Nghệ An, vào 1/8/2021, các đối tượng đã bị bắt tại Diễn Châu với tang vật là 7 con hổ nhỏ. Trần Trung Hiếu, Nguyễn Văn Lai (ngụ tại Hương Sơn, Hà Tĩnh) còn lùi xe, lao thẳng vào xe công an truy đuổi trước khi thúc thủ… Những sự thật trắng trợn đó đã cho thấy, chuyện của Lương không chỉ đúng mà còn có cả bằng chứng hình ảnh, bản án trước và sau khi Lương nói, rất sinh động. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Nghệ An bắt các đối tượng nuôi hổ tại nhà. Hổ bị nhốt và cho ăn trong chuồng mũm mĩm như chó mèo. 

Chúng tôi biết nhiều và từng tố cáo nhiều vụ tương tự rồi, song, phải đến hôm nay, Lương mới nói thẳng vấn đề ra ám ảnh đến thế này: nếu họ đã định ngăn chặn, thì một cái lông hổ cũng không đi qua biên giới được.  “Có nhà nuôi cả chục con hổ, khu này hổ nhiều vô kể, nuôi giấu đến mức người làng cũng không dễ gì biết được. Một nhà vừa nuôi vừa giao cho các “nông hộ” khác nuôi đã lên tới hai trăm mấy mươi con. Đang COVID-19 nên không xuất được hàng. Càng nuôi càng tốn, có con lên đến vài tạ rồi…”,Lương nói.

“Chúa Sơn Lâm” oai phong năm nào, giờ được nuôi như chó mèo ở một thế giới tăm tối không có màu xanh diệp lục, không có ánh sáng mặt trời. Họ đào hầm hào, giam các ngài hổ vào đó và nuôi. Hổ dễ đẻ như chó mèo, lớn nhanh như lợn dê. Giá bán chợ đen thì mỗi con hổ lại lên đến tiền tỷ. 

Cách nhà Lương độ hai cây số, đi qua trường xã, rẽ vào một con ngõ nhỏ. Ngôi nhà nguy nga hiện ra án ngữ mấy mặt ngõ. Mạnh (đã đổi tên nhân vật) và anh trai đều là dân xuất khẩu lao động. Thấy anh Lương đã giới thiệu xum xoe, “nắn gân” ném đá dò đường độ 45 phút nữa, cu cậu mới thận trọng vào buồng, chui xuống gầm giường, khệ nệ ôm ra một cặp ngà voi khổng lồ. Lặng lẽ, cu cậu vẫn quần lửng, lại vào buồng vác ra một chiếc ngà voi nữa. Mạnh trầm ngâm: “Nó là một bộ. Em đang cho đánh bóng thật đẹp, bịt vàng ở các gốc ngà. Rồi làm chân đế bằng gỗ quý cho chúng. Bộ này hơn hai trăm năm mươi triệu. Anh trưng bày, có khi rất giống cặp ngà voi trắng trong dinh vua Bảo Đại đấy!”.

(Ánh: Báo Dân Việt)

Tôi ngã giá, yêu cầu Mạnh chế tác thật đẹp rồi mới lấy. “À, mà chú chở ra Hà Nội giao hàng cho anh. Chứ nhận hàng ở đây, nhỡ có đứa nào báo công an, dọc đường anh bị tóm, mất hàng và có khi còn đi ở tù”. Tôi tỏ vẻ sành sỏi và cho nhân viên ghi số tài khoản của Mạnh để tiện “cọc tiền” (đặt cọc mua hàng). Mạnh đồng ý và liên tục gửi ảnh, video về việc chế tác, lắp bệ, bịt vàng cho cặp ngà voi châu Phi đó hòng lôi kéo khách. 

Qua thời gian giao dịch, Mạnh bắt đầu tâm sự rất nhiều chuyện. Hóa ra nhà cao cửa rộng, cuộc sống tiện nghi tưng bừng mà Mạnh và anh trai (cũng một nhà cao tầng kế bên) có được hôm nay là do đi xuất khẩu lao động. Mạnh đi CHLB Đức, rồi lưu lạc sang tận xứ Scandinavia Na Uy, làm đủ thứ nghề “chập chờn” đen trắng khác nhau. Cao điểm, cậu cho tôi xem giấy tờ với dòng chữ màu đỏ trên một tấm thẻ có dán ảnh và tên tuổi năm sinh của chính Mạnh: “Detainee” (người bị tạm giữ)”. “Em bị đi tù ở bên đó 3 năm…” – Mạnh kể.

Ảnh: Báo Dân Việt

Hàng mà Mạnh giữ trong nhà và giữ ở nhiều nơi khác (phân tán để tránh bị tịch thu hoặc dính án nặng nếu chẳng may bị các lực lượng “đột kích” kiểm tra xử lý) khá nhiều loại. Lục cục chui vào buồng, Mạnh cân nhắc mãi mới cho tôi đi theo. Các bộ ngà voi bỏ trong tải xác rắn trắng đục nhàu nhĩ được vác ra. Từng chiếc cong vút, sáng ngà, nhọn hoắt. “Hàng này em nhập từ châu Phi, anh mà thấy có dấu hiệu không phải ngà xịn thì em tặng anh luôn” – Mạnh thề thốt lần nữa rồi cho tôi xem… hàng sừng tê giác. Tôi nhìn, ngơ ngác vì “hàng” gì mà nó đỏ hồng, rực rỡ, vàng rươm, “xinh” như một vành trăng khuyết. Trong bóng tối nhập nhoạng. Hóa ra, dưới miếng sừng tê giác mỏng dính, vân vi là đèn của chiếc smartphone đắt tiền. Mạnh đoan chắc: đó là cách kiểm tra sừng tê xịn hiệu quả nhất. “Nếu sừng này là rởm, bác cứ quay lại đây em đền gấp 10 lần” – tay buôn quả quyết. 

Thấy khách có vẻ “phê” và hứa hẹn với cả bộ 4 chiếc tay gấu lông lá, móng vuốt, tanh tưởi để lên cân, Mạnh hào hứng mở tủ đông lấy cả một rổ nanh hổ, móng vuốt hổ và móng vuốt sư tử. Vợ Mạnh đang nấu cơm phải lấy lý do trưa rồi để chạy ra trước hiên nhà hái rau, vì mùi quá thối. Thịt hổ vương vãi từ các cuộc nhổ răng, nanh, móng vuốt “chúa sơn lâm” trước khi đem nấu cao. Tôi xòe tay, Mạnh thả vào một chuỗi dây chuyền vàng to bằng đầu đũa. Nặng trĩu với cái răng nanh hổ to đùng. “45 triệu đồng/chiếc. Đảm bảo cả Việt Nam không có chiếc thứ hai”. Mạnh tự tin. Tôi vẫn xòe tay chê bịt nhiều vàng quá nên đắt và mất “vẻ đẹp tự nhiên” của mãnh thú. Mạnh hiểu ý. Cậu ta hất cánh tủ lên cao, mùi hôi thối lại xộc ra tiếp. 

Mạnh khệ nệ, có vẻ muốn đem tất cả “gia sản” các bộ phận của hoang thú đang có trong nhà ra. Tất cả được “bánh đúc bày sàng” trưng ra trên một cái khay lớn đủ để xếp 3 bộ ấm chén. “Phải để nguyên lông, máu, mủ, thịt thối thế này người ta mới tin. Kẻo lại bảo móng, răng, nanh hổ làm bằng xương, bằng nhựa… Đấy, thợ trước đến họ mua sỉ vừa chọn mất nhiều rồi, nên anh mua nhiều em giảm giá cho” – Mạnh nói.

Ảnh: Báo Dân Việt

Nấu cao da tê giác, chuyện chắc chắn chỉ có ở Việt Nam

Trong “nghĩa địa của thú rừng” mà Mạnh – và những trùm tương tự mà chúng tôi biết – đang tích trữ, buôn bán, thường thì rất đa dạng, có đủ các “hàng Phi” (từ châu Phi), “hàng con” (thú rừng đang sống), hàng “tê” (tức tê giác)… Điều rất lạ là con tê tê thì không gọi là “hàng tê”; mà kêu là con trút, gọi tiếng lóng là “hàng vảy” – vì vảy tê tê bán “được giả” nhất, đắt hơn cả thịt của chúng. 

Giữa thế giới đó, với tôi, quái dị nhất có lẽ là la liệt các “mô” tròn tròn, màu vàng óng ả, lông lá mượt mà. Các khúc nhô lên tròn, đều, nhẵn, quả thật khó mà đoán đúng ngay mặt hàng đó khi nhìn lần đầu. Mạnh nháy mắt: “Ấm tích ấm ủ của hổ và sư tử đực”. Tôi sững người: dương vật hổ, sử tử. Họ cắt cả cụm, gồm hai tinh hoàn và dương vật của “ông ba mươi” (hổ) và “lãnh chúa rừng xanh” (sư tử). Họ không cắt kiểu thiến, mà khoanh cả vùng da lớn có chứa hai tinh hoàn và dương vật. 

Bất giác, tôi nhớ đến nỗi xấu hổ của mình trong lần đi châu Phi cách đây chưa lâu. Đoàn có tôi là nhà báo được mời, đi trực thăng thị sát nạn săn bắn tê giác, voi, sư tử ở Vườn quốc gia có đường biên bảo vệ rộng lớn nhất thế giới Kruger (Cộng hòa Nam Phi). Khi chiếc trực thăng màu xanh hạ độ cao, thấy bên bờ suối có con tê giác vừa bị giết, máu nó còn phun đỏ ối trên cát nóng. Tôi và Diva Hồng Nhung tiến đến, máu tê giác còn vấy cả lên giày dép. Viên phi công và cả nhà điều tra đang lấy mẫu vỏ đạn và AND của con vật xấu số cùng hỏi tôi: sao giết tê giác cắt lấy sừng rồi, mà người châu Á các anh lại cắt cả dương vật của con vật đó làm gì? Tôi chưa biết nói thế nào, anh bạn nhà báo tên là Tonggai (từng sang Việt Nam điều tra rồi) bèn thở dài: “Họ nghĩ rằng ăn gì bổ nấy. Họ tin mù quáng rằng, ăn, uống dương vật của loài mãnh thú có sức mạnh huyền thoại này thì sức mạnh… chăn gối của họ sẽ được cải thiện”. Gã râu chổi xể mỉm cười chua chát: “Không lẽ khả năng tình dục ở nơi ấy ai cũng yếu như vậy sao?”.

Thấy tôi không mặn mà lắm với món dương vật hổ, sư tử (có lẽ là của cả tê giác), Mạnh quay ra mời mua cao nấu từ da tê giác. Quả là thế giới này không ai có thể tin được, kể cả các nhà bảo tồn danh tiếng, chi tiết và sâu sát nhất các diễn biến về sự mùa quáng coi cơ thể và các bộ phận cơ thể động vật hoang dã là “thần dược”. Đưa ra cao, lại còn thiết kế hộp gỗ đánh véc ni nâu bóng, có khắc chữ, ghi rõ cao hổ, cao tê (da tê giác), Mạnh còn cho chúng tôi xem những video nồi cao da tê giác sôi ùng ục, nâu nhuyễn ra sao, tay đòn khuấy cao phải tinh vi và độc đáo thế nào. Mạnh khoe cả: “Những gì mà “tờ rơi”, rồi “Công dụng thần kỳ” của cao tê giác được in ấn trình bày cẩn thận, bắt mắt mà chúng nó đang bán ầm ầm thành phong trào kia, là do bọn em nghĩ ra và thiết kế đầu tiên đấy. Da tê giác của Mạnh được trưng ra, bao giờ cũng kèm theo cái thước đo. Kể cả chụp lên ảnh gửi cho “đối tác”, Mạnh cũng kê vào thước có từng chỉ dấu xăng-ti-mét rất “khoa học” vào. Để người ta hình dung về “sự vô đối” của da tê giác – loài vật nặng vài tấn, cao 3m với lớp da dày vài xăng ti mét, không có kẻ thù nào trong tự nhiên chiến thắng nổi chúng.

Ít lâu sau, qua mạng xã hội “bí mật” của Mạnh (ai tin tưởng mới được “kết bạn”), tôi thấy cậu ta còn đưa cả cái “thẻ” mang tên mình với dòng chữ “DETAINEE” (người bị giam giữ) lên. Hóa ra, ông trùm này có vẻ tự hào vì mình xông pha khắp các quốc gia để làm ăn. Và đó là bằng chứng về việc hàng rừng, hàng con xuyên lục địa của Mạnh là xịn xò.

Kỷ lục chưa từng có trong bảo tồn cứu hộ hổ tại Việt Nam

Suốt quá trình nhập vai, chúng tôi thường trực với câu hỏi không dễ trả lời nổi. Rằng, việc Lương, Mạnh và các đường dây buôn bán kiểu đủ mặt hàng quái dị kiểu trên, không quá khó để xâm nhập, vậy mà không hiểu sao cơ quan chức năng vẫn nói là họ đang bất lực? Làng nuôi hổ, các đường dây buôn hổ vẫn thi thoảng bị bắt với tang vật là vàng ruộm các “ngài” chúa sơn lâm, thế tại sao các “làng nuôi hổ” với dòng chảy hổ con về, hổ lớn xuất chuồng đi khắp nơi, sao khó triệt phá vậy?

Trước tình trạng đó, cuối tháng 4/2021, PV Dân Việt tiếp tục đi “tố cáo” và đề nghị công an địa phương vào cuộc. Và, đầu tháng 8 này, đồng chí Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Nghệ An hào hứng gọi điện thông báo cho tôi từ hiện trường: vừa bắt được hai đối tượng với tang vật là 7 con hổ con (xem ảnh) đích thị tại địa bàn huyện Diễn Châu. Như trên đã viết, các đối tượng Trần Trung Hiếu và Nguyễn Văn Lai (ngụ tại Hương Sơn, Hà Tĩnh) còn manh động đến mức lùi xe tông thẳng vào xe công an hòng tẩu thoát. Mỗi con hổ chỉ vài tháng tuổi, mới chỉ nặng 3-5kg/con, lập tức được đưa đi cứu hộ.

Tối cùng ngày, “tóm” tiếp tên Hùng ở Diễn Châu, với 4 cá thể tê tê đang sống, đem đi cứu hộ, “chủ” tra tay vào còng, đưa về Trụ sở Công an để điều tra mở rộng.

Tiếp đó, rạng sáng hôm qua, ngày 4/8/2021, từ nguồn tin điều tra “ăn sâu bám rễ” của chúng tôi, Công an Nghệ An đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sỹ, sau quá trình hóa trang điều tra công phu, đã quyết liệt thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành khác tại 2 “hang hổ” xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hổ bị nuôi nhốt trái phép trong điều kiện nhẫn tâm, có cá thể lên tới vài tạ (theo nguồn tin riêng trước đó của chúng tôi, vì COVID-19 nên không thể xuất hàng, hổ càng ngày càng… to béo). Liên tiếp trong một hai ngày, bắt tới 24 cá thể hổ cả lớn lẫn bé, Nghệ An và giới bảo tồn Việt Nam đang gặp một “khủng hoảng” cứu hộ hổ với các kỉ lục chưa từng có. Đơn vị nào sẽ nuôi đàn hổ này (và có thể còn nhiều nữa) khi có nhu cầu cứu hộ? 7 chú hổ con được gửi lên VQG Pù Mát đã khiến các chuyên gia lao đao, vì họ đâu có chuyên môn sâu nuôi hổ, mai kia chúng lớn sẽ phải làm sao, hổ nuôi nhốt sinh sản (cả đời chưa ra rừng bao giờ) này làm sao có được tập tính hoang dã của tổ tiên chúng để tái thả về rừng? Đàn hổ 17 con hôm 4/8/2021 từ Đô Thành này cũng sẽ đi về đâu? Gửi cho các khu nuôi nhốt kiểu tư nhân, liệu có được sự minh bạch không?

Theo các chuyên gia bảo tồn hàng đầu Việt Nam, các chuyên án trên đang giữ “kỷ lục Việt Nam” về bắt giữ các đường dây nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán hổ trái phép, cũng như trong cứu hộ hổ. Với chúng tôi, đây là kỉ lục chưa từng có trong nghề làm báo điều tra và phối hợp với các cơ quan sức mạnh tử tế khác để giải quyết vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ mái nhà chung trái đất. Bảo vệ các giá trị tốt đẹp chung của nhân loại tiến bộ.

Sáng 4/8/2021. tại cơ sở của Nguyễn Văn Hiền (SN 1982) và Hồ Thị Thanh (SN 1990) ở xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, lực lượng công an phát hiện việc nuôi nhốt 14 cá thể hổ Đông Dương trưởng thành. Cũng thời gian trên, mũi “giáp công” thứ hai kiểm tra cơ sở của bà Nguyễn Thị Định (SN 1971) ở xóm Phú Xuân (cùng xã) phát hiện 3 cá thể hổ Đông Dương. Các đối tượng khai nhận: Để tránh không bị lực lượng chức năng phát hiện, hổ được vận chuyển bí mật từ Lào về từ khi còn nhỏ. Họ xây dựng các hệ thống tầng hầm kín ngay trong khuôn viên. trung bình mỗi hầm có diện tích từ 80m2 đến 120m2 để tiến hành nuôi nhốt. Tại thời điểm bắt giữ, mỗi cá thể hổ có trọng lượng từ 200kg đến 265kg (theo trang Thông tin điện tử, Công an tỉnh Nghệ An).

Nguồn: Báo Dân Việt 

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

back to top