Nuôi khỉ rừng, thú cưng hay trò hành hạ?

VTV.vn – Gọi là thú cưng nhưng thực tế thì loài linh trưởng này lại đang phải hứng chịu đủ trò hành hạ từ chính con người.

Một con khỉ được đặt tên là Kem, gọi là thú cưng nhưng nó thường xuyên phải chịu những trận đòn vô cớ từ chính người chủ của mình. Dù mới nuôi được khoảng 5 tháng nhưng bạn sinh viên đã chán và rao bán trên mạng xã hội. Trước khi bán, bạn sinh viên này còn không quên tư vấn cho người mua có thể tháo đuôi khỉ để dễ dàng mặc đồ hơn.

Vốn là động vật hoang dã nhưng những con khỉ rừng này phải mặc đồ, đeo trang sức để mua vui cho con người. Có những cá thể còn chịu cảnh xiềng xích, bị ép hút thuốc, thậm chí bị những con vật khác cắn xé.

Khỉ con tách khỏi mẹ và giam giữ trong lồng ( ảnh: NYpost )

Theo Trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV, khỉ càng nhỏ thì có giá càng cao, thế nên thợ săn thường sẵn sàng giết chết khỉ mẹ để cướp con.

Chị Bùi Thị Hà – Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên – cho biết: “Người ta bắn cá thể mẹ để bắt cá thể con, đâu phải lúc nào nó cũng thích mặc quần áo, thích uống nước ngọt có gas đâu. Có thể nó chỉ muốn ăn chuối, sống ở trên cây với gia đình của nó. Thế nhưng, chúng ta đang tác động đến cả quần thể loài, kích thích tình trạng săn bắt trái phép”.

Một con khỉ khác được đặt tên là Lốp. Nó được gỡ ra từ một chiếc bẫy ở biên giới Việt Nam – Campuchia trong tình trạng hết sức tồi tệ với nhiều bộ phận cơ thể bị hoại tử. Lốp may mắn được anh Tuyền – người đã có 8 năm giải cứu các loài động vật hoang dã – đưa về phẫu thuật và chăm sóc sức khỏe.

“Lốp bị dính bẫy cả tuần rồi mới được phát hiện ra. Tất cả vết thương đều có giòi và bị hoại tử, phải tập cho nó thích nghi với môi trường rồi mới đưa trở lại tự nhiên”, anh Vũ Văn Tuyền – TP Pleiku – Gia Lai nói.

Khỉ Lốp hiện tại đã được tái thả về tự nhiên nhưng vẫn còn hàng nghìn cá thể khỉ khác bị rao bán hàng ngày. Phần lớn số khỉ này được các đầu nậu đặt người dân địa phương săn bắt từ các khu rừng ở miền Trung và Tây Nguyên, với giá trung bình khoảng 2 triệu đồng một con. Nhưng khi đưa về thành phố, chúng bị đẩy giá lên từ 3 đến 4 triệu đồng. Đây là món lời không hề nhỏ khiến cho tình trạng săn bắt loại linh trưởng này ngày càng gia tăng.

Nguồn tại đây

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

back to top