Những chiêu trò tàn sát thú rừng (Phần 3): Xuống chợ phiên, buôn thú rừng

Series Phóng sự điều tra: Những chiêu trò tàn sát thú rừng được thực hiện bởi nhóm phóng viên báo Dân Việt nhằm hé lộ cho độc giả những chi tiết bên trong những “phi vụ” săn bắt và buôn bán ĐVHD trái phép của những kẻ chuyên buôn hàng con (thú rừng). Hơn một năm ròng theo sát cũng như tiếp xúc điều tra, các phóng viên đã được tận mắt chứng kiến cả một thế giới khốc liệt, thảm sát hoang thú cùng sự tàn nhẫn và chà đạp lên các quy định pháp luật của những kẻ buôn lậu. 

Xem Bài 2: Trong hang ổ của “trùm” buôn bán động vật hoang dã xuyên lục địa tại đây

BÀI 3: XUỐNG CHỢ PHIÊN, BUÔN THÚ RỪNG

Đã qua rồi cái thời người Thái, người Mông hồn nhiên dựng cột và đặt mũi khoan cổ xưa của mình bên bờ suối để chế tác nòng súng kíp. Rồi vào rừng bắt con nai, cõng “nạn nhân” về – như bại tướng cõng đồng đội tử thương – chia cho dân bản mỗi người một miếng san hào.

Giờ là thời điểm mà các quy định luật pháp về bảo tồn rất chặt chẽ, súng tự chế được “vận động giao nộp” cho nhà nước triệt để, ai bắt con chim trời, săn con thú hoang đều là sai hết. Bế con tê tê hiền như cục đất từ rừng về có thể bị khởi tố hình sự; bắn con voọc xám làm món giả cầy có thể khiến năm tráng đinh của xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cùng ra vành móng ngựa và đi ở tù.

Nhưng, phàm cái gì khan hiếm thì càng đắt đỏ, vì lợi nhuận cao, bất chấp tất cả. Không tin, mời xem chúng tôi xuống một phiên chợ xúng xính.

Các ông bà trùm phức tạp ở chợ phiên “đơn giản”

Ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn của miền Tây xứ Nghệ vào hỏi nhà hàng thì bảo không có thú rừng đâu. Nhưng đặt hàng thì con gì cũng có, mà phải mối quen nhé. Lúc đem đồ ăn ra, cũng chỉ là các miếng đã xào nấu, áp chảo, nướng vàng, còn lẩu lâu nữa chửa giám định nổi nó là thịt xương của con gì. Bếp làm thế nào thì giấu diếm kĩ, thực khách tuyệt đối không được bén mảng. 

Chợ phiên bán sóc, cầy, dúi, lợn rừng. Con sống có, con thui vàng nhia răng cũng có. Cả một chợ ếch nhái nhảy chồm chồm. Sóc các loại bị dính bẫy nhốt trong lồng, cô chú ta trồi trổ hòng tẩu thoát, bị nan lồng sắt đâm, mặt mũi toe toét máu, khiến mấy khách nhậu cứ khoái chí kêu là sóc mõm đỏ. Gà rừng chết xã xượi bán xanh đỏ tím vàng. Gà lôi chân đỏ tươi như cục tiết nằm thuồi luồi, cựa sắc như thanh kiếm nhỏ trắng ngà. 

Dọc quốc lộ, bà con bày đủ loại chuột núi vừa đi săn về. Thi thoảng có vài con cầy hoa quả đã thui rơm đen nhẻm. Dúi thì có khi bán một dãy lốc nhốc, mỗi lồng sắt to bằng cái bánh chưng vuông nhốt một chú, cả dãy cao ngất như bức tường. Trên hội nhóm kín ở mạng xã hội facebook, zalo, họ có cả hội đi săn chồn đèn, chồn bạc má các loại. Bán bẫy, giao dịch tưng bừng, toàn video bắt cầy, chồn tàn ác và giết thịt hỉ hả. 

Tuy nhiên, để mà “xử nghiêm” được những hành vi trên không dễ. Bởi, hầu hết kiểm lâm, công an không “để mắt” nhiều tới việc bán các con vật rừng kiểu sóc, cầy, dúi, chồn, gà rừng, gà lôi… Vì, đúng là mới đây chúng ta có quy định về việc xử lý các vi phạm liên quan đến động vật rừng thông thường thật, mức phạt có thể lên tới hàng tỷ đồng và án tù lên tới mười mấy năm. Song, những kẻ bán lẻ tẻ thì chắc là chỉ… xử lý hành chính thôi. Thành ra, luật pháp có nhưng sức răn đe chưa đủ. Nên cả người đi xử lý và người vi phạm nhiều khi cứ “lờ” đi một cách bất thành văn.

Dần dà, sự “tồn tại ngang nhiên” của các trò giết chóc thiên nhiên vi phạm luật kia đã khiến nhiều người nghĩ đó không phải là vi phạm nữa. 

Quan trọng hơn, khi mà chúng tôi đi các buổi chợ phiên thấy bán tràn ngập cầy, dúi, sóc, gà rừng, gà lôi, chim trời các loại như thế thì nó đã vô hình hay hữu ý trở thành “địa chỉ tin cậy” cho người bán và người mua các loại thú rừng rủ nhau đến “ủ mưu”, “giao dịch”. Từ đó, họ lén lút buôn bán những con quý hiếm hơn, đắt đỏ hơn, được bảo vệ nghiêm cẩn hơn. Và lãi lời cao hơn. Ví dụ, ở chợ phiên Tam Thái (ven Quốc lộ 7, thuộc xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), ngoài các dãy bán “động vật rừng thông thường”, nhiều đối tượng đã tiến một bước nguy hiểm hơn đến lĩnh vực buôn thú rừng quý hiếm săn bắt ở Việt Nam và nhập lậu từ Lào về.

Ảnh: Báo Dân Việt

Họ biến các sạp tạp hóa, các kệ bán thú rừng thông thường thành “đại lý” giao dịch. Ai đến mua các loài trên (đã là phạm luật một cách trắng trợn) đều hỏi có các con quý hơn không (và “vi phạm” ở mức cao hơn!). Nhiều chủ hàng leo lẻo nói về có bán “hàng cấm, hàng trong danh sách đỏ”, phải chờ đến khi chợ phiên bớt đông mới dám mang ra, kẻo công an với kiểm lâm họ đến bắt. Chúng tôi chứng kiến những người đi thu tiền của người đi chợ (như kiểu vé chợ), họ thấy “hàng rừng”  bán la liệt, song vẫn thản nhiên gặp từng người thu phí mà không ý kiến gì. 

Cách đây mấy năm, một chủ tiệm “Tạp hóa” là Trần Gia Ngũ, nhà đối diện UBND xã, kề ngay chợ phiên Tam Thái, đã bị công an ập vào bắt giữ với tang vật là 3 tủ đông chứa gần 500kg thịt động vật rừng, trong đó có khoảng 50 con khỉ hoang dã hầu hết đã bị giết nằm như thây người, vài con đang cầm tù chờ lên thớt. Công an và chính quyền địa phương phải dùng máy cẩu mới khiêng được các tủ đông khổng lồ ấy đi xử lý. 

Đó chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, nơi có các “ông chủ” lái xe bán tải đời mới sang Lào “cõng” thú hoang về, các nhóm người đầu tư mọi thứ cho thợ săn tấn công vào rừng già.

Ảnh: Báo Dân Việt

Những “tiểu thương” nhốt cả một “vườn thú” trong tủ đông

Để chứng minh cho nhận định này, vừa qua, nhóm PV đã dày công theo dõi một đối tượng tên Tím ở chợ Tam Thái. Cô này má phấn môi son, là người dân tộc Thái, từng bị “tóm” vì buôn nhiều loài thú quý hiếm. Giờ vẫn ngựa quen đường cũ. 

Chúng tôi tiếp cận, Tím đề phòng một cách tinh ranh. Dù hứa giao dịch qua gặp mặt trực tiếp rồi, nhưng zalo của nàng thoắt kết bạn với chúng tôi rồi lại chặn ngay. Lúc nào cũng bảo: anh là nhà báo phải không, chị là công an hay kiểm lâm à? Tuy nhiên, vừa thấy cái lợi nhỏ, lập tức, Tím thui cầy, chồn, gửi một lúc 6 mặt hàng cho khách chọn. Có lần đang ngồi tỉ tê. Tôi đã bịt khẩu trang kín bưng với lý do phòng dịch COVID-19, vì sợ Tím nhận ra mình là nhà báo (vì tôi cũng hay xuất hiện trên truyền thông). Tuy nhiên, đang ngồi xem thịt lợn rừng cả đùi, lông lá, to đoành; cả thịt chồn, cầy rừng với bao nhiêu “hàng cấm” khác ở trong… gậm bàn, bỗng dưng Tím hô to: “Cất ngay, bọn nhà báo nó đến kìa”. 

Tôi tái mặt, chắc nàng má hồng ấy nhận ra mình rồi. Bên kia, cô bé má hây hây, eo thon áo chẽn xứ Thái vẫn lỏn lẻn mỉm cười – vừa lật sấp lật ngửa lũ cầy, dúi đã thui vàng; vừa tâm sự với khách. Nàng khẽ cười làm duyên khi thấy  một gã vác cả Gimbal (chân máy chống rung khi cầm thiết bị quay trên tay và di chuyển), vác cả máy ảnh với ống kính hoành tráng đang săm soi.

… Tôi chưa kịp định thần, thì Tím đã vác đùi lợn rừng, khúc gì như sơn dương, mấy tảng của các loại cầy hoa quả và chồn gấu (tên địa phương) – mỗi con to cả chục ký lô sau khi giết mổ làm sạch – đem giấu kĩ trong sàn đất gầm tủ. Hiệu tạp hóa của Tím khá to. Tôi nhìn ra, tay cầm máy quay vẫn lia cô em xinh đẹp bán dúi thui vàng. Nó lia sang phía Tím. Tím quay mặt đi, nín thở nhìn tôi: “Em sợ bọn nhà báo lắm”…

Ảnh: Báo Dân Việt

“Đi lại” mãi, Tím mới tĩnh tâm lại: “Em là dân chuyên nghiệp rồi. Chuyên buôn bán đồ rừng mà. Nhìn mặt thì biết chứ gì. Hàng của em là hàng xịn, nếu sai cứ vào nhà em mà đốt. Vì em lấy từ thợ săn, vận chuyển đi bán khắp nơi. Em bị bắt nhiều rồi, nên hơi đề phòng thôi. Vả lại dạo này đang bị kiểm lâm với công an “làm căng”.

Tin tôi buổi sáng, chiều Tím lại chặn zalo, gọi điện thì bảo em chỉ bán cá suối thôi sao anh điều tra về em. Lại thêm hàng xóm cũng bảo, “mày tin làm gì cái bọn đó”, thế là Tím tuyệt giao với chúng tôi cả tháng. Có lần cô nàng thách thức: “To gan lắm, dám lừa để điều tra về tôi hả”. Ít lâu sau, thấy chúng tôi không “bắt bớ kiểm tra” gì, Tím lại kết bạn và lại ngọt nhạt chào đủ thứ hàng rừng. Cầy cáo thu cả một sân ngót chục con, chuyển đi khắp nơi.

Tím bận với chợ phiên, nên đã nhờ người đưa chúng tôi vào nhà Tím xem “hàng rừng nguyên con”. Quả là những cảnh mà đời làm báo hiếm khi phải gặp lại. Anh chồng người dân tộc Thái của Tím rất hiền lành, tuy nhiên sau nhiều lần bị “sờ gáy” thành thử anh ta cũng đề phòng cao độ. Ngó biển số xe ô tô, gọi điện cho vợ hỏi kĩ: Có phải “em” vừa trông hàng ngoài chợ phiên vừa điều khách vào nhà xem đồ rừng trong tủ đông không? Cho chúng nó xem “con” gì?

Anh chồng của Tím ăn mặc lôi thôi, áo quần sờn rách, trước trán đeo một cái đèn pin rẻ tiền cỡ to. Trời nắng chang chang giữa chính ngọ, đèn pin bật cứ như anh ta nghĩ lúc đó là 12 giờ đêm. Hỏi, anh làm gì mà đeo đèn pin giữa ban ngày? À, có chục con dúi vừa mua, tôi nhốt trong cái lồng to, cho nó ăn măng và lá cây gì ấy. Mở ra cho ăn thì chúng nó cắn đứt hết nan tre chạy khắp nơi, vào góc buồng, vào chuồng lợn, rúc tít trong gậm giường. Thế là phải đeo đèn đi tìm. “Gớm, thế này em Tím về, em ấy “lột da” bác!”. Anh chồng cười hiền: “Mai thợ săn nó lại mang ra bán, nhiều lắm. Con này mua tận gốc, họ đào bắt trong rừng được, cũng rẻ”.

Ảnh: Báo Dân Việt

Nói rồi, anh dẫn chúng tôi đi sang khu nhà bên cạnh. Thủ đoạn các đối tượng giống hệt nhau. Phân tán hàng rừng tới các căn nhà khác nhau, để phòng bị bắt thì cũng không… trắng tay cùng lúc và bị bắt với số lượng nhỏ hơn thì mức án hoặc mức phạt cũng nhẹ hơn. Mỗi nơi, Tím để một ít “hàng con”. Tôi mở một tủ đông dài, vác ra một con vật nặng đến hơn chục cân. Trơn truội, cứng quèo. Lạnh buốt. 

Tôi lót nilon đặt “em bé” xuống sàn nhà. Bức ảnh tôi chụp vào khoảnh khắc đó thật ám ảnh, ít ra là với người bấm máy. Con cầy hoa quả, hoặc dân địa phương gọi là cầy (chồn) gấu, hoặc gì đó – thợ săn, dân buôn, dân nhậu, họ không là nhà động vật học nên gọi rất bừa. Đủ các loài cầy, cầy hương hay cầy mực, cứ gọi tất là chồn. 

Con vật to, nằm ôm chân ôm tay như một bào thai trong bụng mẹ. Nhưng nó to và nặng tới cả chục cân. Bên cạnh là vô thiên lủng thú hoang bị giết, có con vỡ toang cơ thể vì đạn súng săn, có con bị nứt toác do thui rơm cẩu thả. Chúng tôi vừa nấn ná trả giá giả vờ thì đã có khách đến lấy. Lưu lượng hàng trôi qua các tủ đông, các sàn giết mổ nhà Tím khá lớn. 

Bên cạnh nhà Tím là nhà bà Hường. Bà Hường buôn còn ác liệt hơn Tím. Tiếp tục “nằm vùng”, chúng tôi liên tục nhận được hình ảnh, các lời mời đặt cọc, ngay trong năm 2021:  “họ bắn được con voọc 9 cân, chú có lấy không” (xã bên, cùng huyện, 5 đối tượng ra tòa vì bắn 2 con voọc, một gã 4 năm, một gã 3 năm đi ở tù, song dường như họ không sợ); “trên bản họ bắn được hai con khỉ hơi nhỏ, con 7kg, con 6kg. Họ vẫn phần đấy, chú lấy thì chị chuyển ngay, đủ chục con khỉ là nấu được nồi cao”; “Chị có 6 con cầy hoa quả, cầy gấu, con to 10kg, con bé 4kg. Nếu lấy tối nay chị gửi hàng”. 

Liên tục liên tục các chuyến đi săn và hàng rừng về ào ào, chỉ hai ba tin nhắn và hai ba lần thu hồi tin nhắn, chúng tôi thử gọi lại thì hàng đã được bán đi rồi.

Nguồn: Báo Dân Việt

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

back to top