Nhức nhối nạn buôn bán ngà voi ở Tây Nguyên

Lời giới thiệu!

Voi – một trong những loài động vật hoang dã biểu tượng của đa dạng sinh học khu vực Tây Nguyên đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng do nhiều nguyên nhân khác nhau; chủ yếu đến từ việc mất sinh cảnh và nhu cầu buôn bán, tiêu thụ ngà voi.

Là một quốc gia còn quần thể voi hoang dã phân bố; có một nền văn hóa gắn với thuần dưỡng voi nhà Tây Nguyên đồng thời là một quốc gia trung chuyển và tiêu thụ ngà voi có nguồn gốc từ châu Phi, việc thực hiện các giải pháp bảo tồn voi tại Việt Nam cũng như góp phần thực hiện trách nhiệm quốc tế trong bảo vệ các quần thể voi tại châu Phi khỏi nạn săn trộm – đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Chính vì thế, ngày 21/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 763/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020” với mục đích bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã và voi nhà hiện có ở Việt Nam; đồng thời tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ngà và các bộ phận dẫn xuất của voi, góp phần bảo tồn các quần thể voi trong vùng và trên thế giới.

Mới đây, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 413/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Đề án trên đến năm 2025 cũng như bổ sung một số địa phương vào địa bàn thực hiện đề án bảo tồn khẩn cấp, qua đó khẳng định sự cần thiết phải bảo tồn voi tại Việt Nam.

Thế nhưng, bất chấp các nỗ lực bảo vệ, thời gian qua, không ít cá thể voi vẫn tiếp tục bị “tra tấn” lấy ngà, lông, xương bán ra thị trường để kiếm lời bằng nhiều hình thức khác nhau, từ lén lút đến công khai… Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm lẫn tiệm vàng ở Đắk Lắk và các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kon Tum và Quảng Nam còn nhập cả những cặp ngà từ Châu Phi, Lào và Camphuchia về để chế tác thành vô số sản phẩm như nhẫn, bút, vòng tay, lắc… phục vụ “thượng đế.”

Chỉ riêng trong năm 2021, cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận được 575 vụ việc vi phạm liên quan đến ngà voi. Đây là một thực trạng rất buồn và đáng báo động, không chỉ gây ảnh hưởng đến công tác bảo tồn voi, giảm hiệu lực thực thi pháp luật, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè và du khách quốc tế.

Thực tế trên đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm thực thi cũng như sự quản lý của các cơ quan chức năng địa phương trước thực trạng hiển hiện trước mặt nhưng lại như vô hình và mặc nhiên tồn tại trong suốt nhiều năm qua, mà không bị xử lý?

Để rõ hơn về “thế giới ngầm” buôn bán ngà voi, cũng như những khoảng tối trong công tác quản lý, bảo tồn voi của các cơ quan quản lý địa phương, mời độc giả cùng phóng viên VietnamPlus đi sâu vào thực tế điều tra, từ đó rộng đường dư luận để hiểu vì sao loài voi ở Tây Nguyên ngày càng suy giảm; nhiều quy định đã được công bố, nhưng đến nay vẫn chưa thể dẹp bỏ tình trạng này.

Bài 1: Buôn bán hàng cấm từ voi: Tàn nhẫn cắt lông, đốn ngà vì tiền

Bài 2: Bán ngà voi trước công sở: Ai cũng biết, sao lãnh đạo không hay?

Bài 3: Xử lý trách nhiệm nạn buôn bán ngà voi: Việc không thể trì hoãn

Theo VIETNAMPLUS

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

back to top