Công an Nghệ An và Đội phản ứng nhanh của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) mới đây đã thu giữ 4 cá thể tê tê còn sống từ đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Nạn buôn bán Động vật hoang dã vẫn diễn biến phức tạp
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) đã đưa ra khung hình phạt khá cao đối với các hành vi vi phạm về Động vật hoang dã (ĐVHD). Theo đó, điều 244 Bộ luật Hình sự quy định hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD quý, hiếm có thể bị phạt tù lên tới 15 năm hoặc phạt tiền lên tới 15 tỉ đồng. Tuy nhiên tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ trái phép các loài ĐVHD vẫn diễn biến rất phức tạp.
Chỉ trong 3 ngày đầu tháng 8, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Nghệ An đã phát hiện và thu giữ 24 cá thể hổ và 4 cá thể tê tê từ 3 vụ việc khác nhau. Trong đó, chiều tối ngày 1.8, lực lượng chức năng đã phá chuyên án, bắt 1 đối tượng về hành vi tàng trữ trái phép 4 cá thể tê tê còn sống.
Qua công tác nghiệp vụ và điều tra, vào khoảng 17 giờ 25 phút ngày 1.8, tại xóm 8, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, Ban chuyên án tiến hành kiểm tra nhà hàng của Cao Xuân Hùng (sinh năm 1990), trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, phát hiện tàng trữ 4 cá thể tê tê có tổng trọng lượng 21kg.
Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận mua những cá thể tê tê của một người ở tỉnh Quảng Bình, sau đó vận chuyển bằng xe khách về rồi cất giấu tại nhà hàng để chế biến thành món nhậu bán cho khách hàng có nhu cầu. Cả 4 cá thể tê tê còn khỏe mạnh được bàn giao cho vườn Quốc gia Pù Mát ngay trong tối 1.8 để chăm sóc và cứu hộ – sau đó sẽ thả về với môi trường tự nhiên của chúng.
Nỗ lực bảo tồn tê tê của các tổ chức bảo vệ ĐVHD
Theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), trong một thập kỷ qua, ước tính có tới trên một triệu con tê tê bị săn trộm trên toàn thế giới và Việt Nam được xác định là một trong những điểm nóng buôn bán trái pháp luật các loài tê tê. Để ngăn chặn tình trạng này và góp phần bảo tồn loài tê tê, từ năm 2019, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), lần đầu tiên trên thế giới, Việt Nam đã sử dụng thành công thiết bị bay không người lái với hệ thống điều khiển vô tuyến để theo dõi, nghiên cứu tê tê sau khi tái thả về tự nhiên.
Hàng trăm cá thể tê tê đã được cứu hộ trong các vụ săn bắt, buôn bán và vận chuyển trái pháp luật đã được gắn các thiết bị phát sóng radio cho phép theo dõi hoạt động của chúng trước khi tái thả về môi trường tự nhiên.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW, từ trước đến nay SVW phải theo dõi mỗi cá thể tê tê sau khi tái thả bằng đường bộ trong một khu vực rừng rộng lớn nên chỉ theo dõi được số lượng cá thể rất hạn chế. Tuy nhiên, khó khăn này đã được giải quyết với việc sử dụng hệ thống theo dõi bằng sóng vô tuyến qua thiết bị bay không người lái. Phương pháp mới có thể giúp theo dõi, nghiên cứu đến 100 cá thể tê tê cùng một lúc. Các thông tin thu thập được sẽ giúp các cơ quan chức năng rất nhiều trong công tác tái thả các cá thể tê tê sau cứu hộ trong tương lai.
Việc áp dụng thành công công nghệ hiện đại ở các khu vực xa xôi và khó khăn đã mở ra một thời kỳ mới cho việc theo dõi ĐVHD và đặt cột mốc mới trong lĩnh vực theo dõi các động vật nhỏ bằng sóng vô tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cứu hộ và tái thả ĐVHD ở Việt Nam.
Theo Báo Thanh Niên