Đặc sản Chim trời – Mối nguy hại cho các loài chim di cư

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học cho rằng, tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, giết thịt chim hoang dã trái pháp luật như Báo Dân Việt phản ánh là rất đáng lo ngại, làm suy giảm số lượng chim di cư về Việt Nam, gây nên mất cân bằng đa dạng sinh học.

Loạt bài Điều tra dài kỳ “Đột kích các Tổng kho hành quyết chim trời” của Dân Việt đã nhận được các phản hồi tích cực từ cơ quan hữu trách: nhiều tỉnh đã rà soát, ra quân xử lý các nhà hàng, tụ điểm buôn bán chim hoang dã. Cục Kiểm lâm chỉ đạo nóng ở cả 6 tỉnh thành mà Dân Việt phản ánh. Nhiều nhóm tình nguyện đã ra quân gỡ lưới giải cứu chim trời tại Tiền Giang, Bến Tre.

Chính quyền nhiều tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nam đã đốt lưới, tiêu hủy cò mồi, xử lý thợ săn, thả chim hoang dã về với bầu trời của chúng. 

Đặc biệt, trong một diễn biến quan trọng, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TNMT) đã mời các chuyên gia, trong đó có phóng viên điều tra của Dân Việt đến để cung cấp thông tin điền dã, tham vấn ý kiến, để sớm hoàn thành Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành nhằm bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư của chúng ta trước nguy cơ bị tận diệt và lây truyền dịch bệnh nguy hiểm sang con người.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học (Bộ TNMT) cũng đã dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện thẳng thắn và tâm huyết.

Phó Cục trưởng Hoàng Thị Thanh Nhàn, thứ 2 từ phải sang, cùng các chuyên gia, trong một hoạt động ý nghĩa nhằm bảo tồn thiên nhiên hoang dã Việt Nam.

Các địa phương cần nhiều “chuyên án” xử lý vi phạm liên quan đến chim hoang dã.

Thưa bà, trong quá trình điều tra từ các nhà hàng giết mổ với số lượng lớn các loài chim hoang dã nói riêng và động vật hoang dã (ĐVHD) nói chung ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, nhiều người “có hiểu biết”, “có địa vị xã hội” là thực khách tại đó. Rõ ràng đây là điều rất đáng trăn trở, họ vừa vi phạm luật pháp Việt Nam và Công ước Quốc tế mà chúng ta là thành viên, vừa vi phạm đạo đức của một người bình thường trong một thế giới nhân văn. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Chúng ta đều biết các sản phẩm từ động vật hoang dã không phổ biến như “món hàng” khác và có giá cao hơn các mặt hàng tương tự, nên những người có tiền mới là đối tượng sử dụng cũng là dễ hiểu. 

Năm 2014 Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học (BTTN & ĐDSH) có tiến hành nghiên cứu về thực trạng tiêu thụ động vật hoang dã ở Hà Nội. Kết quả cho thấy: mục đích sử dụng ĐVHD làm thực phẩm khá phổ biến, không riêng gì những người giàu có mà các tiểu thương cũng là đối tượng sử dụng nhiều.

Việc tiêu thụ các động vật hoang dã nguy cấp ảnh hưởng thế nào ĐVHD nói chung?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: ĐVHD nguy cấp có nghĩa số lượng cá thể còn rất ít trong tự nhiên. Việc tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp là nguyên nhân chính gây sự tuyệt chủng của các loài và tác động tới sự suy giảm đa dạng sinh học. 

Những tác động này có thể vượt qua biên giới của quốc gia, ví dụ như nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Châu Á là một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm các quần thể tê giác ở Châu phi. Tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp không những ảnh hưởng tới đa dạng sinh học mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, khi mà chúng ta đã cam kết thực hiện nhiều hiệp ước về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học…

Theo bà, chúng ta phải làm gì để các quy định luật pháp trên “thấm nhuần” đến ý thức và hành vi của đông đảo mọi người hơn?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Truyền thông có vai trò rất quan trọng, vì chúng ta biết rằng nhận thức có ảnh hưởng quyết định tới hành vi. 

Tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã tồn tại do nhiều nguyên nhân, trong đó, đầu tiên là do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo vệ ĐVHD, chưa hiểu rằng tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp là trái với pháp luật, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Hiện nay, chế tài đối với hành vi vi phạm bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp là rất nghiêm khắc. Theo Luật Hình sự, vi phạm cao nhất có thể kết án đến 15 năm tù giam và phạt 15 tỷ đồng. 

Vấn đề là người dân có biết đến các quy định trên hay không? Để hiểu biết được tầm quan trọng của vấn đề này, thì chúng ta phải truyền thông để người dân hiểu. Đây là công việc cần phải làm thường xuyên, lâu dài.

Tình trạng tàn sát chim hoang dã mà Dân Việt phản ánh là rất đáng lo ngại.

Tàn sát muôn loài chim hoang dã trong các nhà hàng Đặc sản chim trời. Ảnh Văn Hoàng
Như loạt bài của Dân Việt đã phản ánh tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, giết thịt chim hoang dã trái pháp luật diễn ra tràn lan, công khai ở nhiều tỉnh, thành, với nhiều hệ thống nhà hàng lớn phủ khắp nhiều đô thị, với hệ thống lưới bẫy chim giăng kín đồng ruộng, ao hồ, cửa sông, cửa biển. Vấn đề này Bộ TNMT và đơn vị liên quan có xử lý được không, thưa Phó Cục trưởng?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, giết thịt chim hoang dã trái pháp luật như báo Dân Việt phản ánh, tôi cho rằng đang rất đáng lo ngại. Nhiều khả năng sẽ có các loài chim nguy cấp, quý hiếm, đặc biệt là các loài chim di cư bị bắt giết…

Ngoài ra, việc tận diệt các loài chim hoang dã có thể ảnh hưởng tới mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái, gây suy giảm đa dạng sinh học. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, chỉ có hành vi vi phạm ảnh hưởng tới loài chim nguy cấp hoặc săn bắt các loài chim hoang dã trong khu bảo tồn thiên nhiên mới bị xử lý. Trên thực tế còn gặp khó khăn do các quy định pháp luật, hướng dẫn về bảo vệ chim hoang dã chưa được hình thành đầy đủ.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu lãnh đạo ban hành các văn bản gửi các địa phương tăng cường các hoạt động kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến động vật hoang dã nói chung và chim di cư nói riêng.

64% thực khách sử dụng ĐVHD vì được cho biếu và… mời dùng

Trong số các người sử dụng, có đến 64% cho rằng họ sử dụng ĐVHD vì được cho, mời dùng, khoảng 34% người nói rằng họ dùng làm thực phẩm vì ăn ngon, một số ít còn lại cho rằng có lợi cho sức khỏe. Biết được đối tượng và động cơ sử dụng động vật hoang dã là việc hết sức cần thiết để có biện pháp để tuyên truyền phù hợp tới người dân.

Về giải pháp dài hạn, cần kiện toàn các quy định pháp luật về ngăn ngừa hoạt động buôn bán, tiêu thụ, sử dụng trái phép các sản phẩm ĐVHD. Bởi, còn cung là còn cầu. Ngoài ra, trên thực tế việc phân biệt loài chim hoang dã nguy cấp, quý, hiếm với loài chim hoang dã thông thường cũng rất khó, gây khó khăn cho các cơ quan địa phương trong quá trình xử lý vi phạm.

Vì vậy, trong thời gian tới các trong quá trình xây dựng các văn bản chính sách, pháp luật cũng cần xem xét, bổ sung quy định nghiêm cấm các hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng các loài chim hoang dã trong mùa di cư, mùa sinh sản.

Cần tiến hành một cách đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tăng cường thanh kiểm tra các đối tượng săn, bẫy, bắt chim hoang dã cho đến việc bảo vệ các hệ sinh thái của loài.

Khung hình phạt lên tới 15 năm tù và phạt tiền lên tới 10 tỷ đồng.

Giăng lưới bẫy chim tại vùng cửa biển huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang
Xin hỏi, cơ quan hữu trách đã làm gì để có biện pháp bền vững bảo vệ các loài chim hoang dã của chúng ta?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã triển khai thí điểm thành lập các Khu Bảo tồn Đất ngập nước Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và Tam Giang – Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế) nhằm bảo vệ hệ sinh thái, là nơi kiếm ăn và trú ẩn cho các loài chim, cũng như hướng dẫn các địa phương thành lập các khu bảo tồn loài – sinh cảnh là nơi chim tập trung trú ẩn như các sân chim, vườn cò… 

Đồng thời, tiến hành điều tra, rà soát, lập danh mục các vùng chim quan trọng của Việt Nam nhằm bảo tồn, bảo vệ các loài chim hoang dã, các loài chim di cư; thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ chim hoang dã.

Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều người dân cũng rất tích cực góp phần bảo vệ các loài chim hoang dã và đã dành nhiều công sức để bảo vệ, giải cứu chim hoang dã. Tôi nghĩ, đây là sự đóng góp rất lớn và có ý nghĩa cho mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học của chúng ta.

Thêm nữa, Việt Nam là thành viên của Công ước Quốc tế Ramsar về bảo vệ các khu đất ngập nước quan trọng – là nơi sinh sống của các loài chim di cư – và là thành viên của Đối tác Bảo tồn Chim di cư tuyến Úc – Đông Á.

Do vậy các hành động bảo tồn chim di cư là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thực hiện các nghĩa vụ, cam kết của Việt Nam đối với các công ước và hiệp ước quốc tế.

Đáng buồn là hiện nay số lượng chim di cư về Việt Nam ngày càng giảm. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân và việc săn bắt trái phép là một trong các nguyên nhân chính. Các loài chim di cư bị săn bắt chủ yếu để cung cấp cho các nhà hàng “đặc sản chim trời” do vậy tôi cho rằng các giải pháp chính vẫn phải là tăng cường thực thi pháp luật ở cấp địa phương và tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân. Sự vào cuộc của các cơ quan báo, đài là rất quan trọng và cần thiết.

Việc tăng cường tuyên truyền, đưa tin về các vụ vi phạm. Và việc ra tay xử lý nghiêm khắc, có những vụ xử lý hình sự – khung hình phạt có thể lên tới 15 năm tù và phạt tiền lên tới 10 tỷ đồng – đối với các hình thức tội phạm đặc biệt về ĐVHD, sẽ là chìa khóa để tăng cường tính răn đe, ngăn ngừa.


Nguồn: báo Dân Việt

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

back to top