Trong quá trình thực hiện loạt bài “Tận diệt thật trên thế giới ảo”, đang ở hiện trường, nhóm phóng viên Dân Việt có được thông tin hàng chục con trâu của người dân xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị dính bẫy thú rừng của người dân đặt trái phép tại khu vực giáp ranh Khu bảo tồn Thiên nhiên (KBT TN) Kẻ Gỗ.
Đầu cơ nghiệp “nối đuôi nhau” biến mất vì… lâm tặc
Từ cuối năm 2021 đến nay đã có hàng chục con trâu của bà con dính bẫy chết và mất tích, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng của nhiều hộ nuôi trâu tại xã Kỳ Thượng. Đây chỉ là câu chuyện giọt nước tràn ly, bởi theo phản ánh của người dân, tình trạng dùng dây cáp, dây phanh xe đạp để bẫy thú rừng đã diễn ra từ lâu tại khu vực quanh KBT TN Kẻ Gỗ, đặc biệt là khu vực xã Kỳ Thượng.
Ông Trần Văn Hải, ở xóm 6, xã Kỳ Thượng là một trong những hộ dân bị thiệt hại nặng nề nhất, riêng gia đình ông đã có 7 con trâu dính bẫy chết và mất tích trong thời gian ngắn vừa qua. Đó là chưa kể số trâu của “bạn bè” ông chết cũng nhiều, do chăn thả trong rừng có nạn săn bắt thú.
Đứng bên một xác trâu khoảng 3 năm tuổi bị dính bẫy bằng dây cáp đã chết, đang trong quá trình phân hủy, ông Trần Văn Hải gọi điện cho người đàn ông tên K. – người được cho là người đặt bẫy để mời lên gỡ bẫy – nhưng không nhận được sự hợp tác.
Trong cuộc điện thoại, ông K. đã xác nhận mình đặt nhiều bẫy cả trong Khu bảo tồn Kẻ Gỗ. Ông Hải nói: “Tôi điện nhờ lên gỡ bẫy cho trâu của tôi nhưng anh ta không lên. Chỗ này hôm trước chết 3 con trâu, trước đó 4 con chết trên bãi bên kia nữa. Đều chết vì bẫy thú. Nhiều con trâu trị giá vài chục triệu đồng đang “mất tích”, khả năng cao là cũng chung số phận.
Nói xong ông Hải cho chúng tôi xem một điểm khác cách khoảng 50 mét. Những gì trông thấy, có thể khiến bất cứ ai phải rùng mình, cực lực bất bình. Xác trâu chết trương phình hôi thối. Có khi cả đống xương trắng của con trâu hôm trước bị dính bẫy chết (con trâu trị giá tới 40 triệu đồng!). Bên cạnh là đoạn dây cáp làm bẫy thú đã hoen gỉ chuyển sang màu vàng.
Cả một vùng rộng lớn đã bị phá hủy hết cỏ cây, bùn đất nhão nhoét bị vày vò do con trâu mộng (chắc là) đã rất cố sức giãy giụa để thoát khỏi cái bẫy thú lớn do lâm tặc giăng ra để bắt thú rừng. Con trâu đã chết vì bị dây cáp xiết vào chân (khi trâu đi ăn cỏ, dẫm phải bẫy dây), trâu giãy giụa, đứt thịt, thối da, chảy hết máu mà chết. Nếu trâu không chết vì mất máu, nhiễm trùng thì cũng chết vì đói. Vì trâu ở trong rừng già, bị trói chân bởi dây cáp lớn, từ khi đang khỏe đến lúc trở thành đống xương trắng!
“Đây là bẫy của ông K. đặt, một lần đặt như này làm chết 5 – 6 con trâu của bà con, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Kính mong Nhà nước, pháp luật vào cuộc giúp đỡ người dân chúng tôi” – ông Hải kiến nghị.
Ông Hải cực kỳ bức xúc, đã gọi cho chúng tôi nhiều lần.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hải cho biết thêm: “Hiện giờ còn 7 con trâu không tìm thấy, hôm Tết chết một con trâu đực to trị giá khoảng 40 triệu đồng, vừa rồi chết con nghé khoảng 30 triệu đồng nữa, cách đây ít hôm cũng vừa rồi mất thêm 2 con khoảng 70 triệu đồng. Chưa kể một số con trâu của nhà tôi đang mất tích”.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực đặt bẫy thú rừng giết chết trâu nuôi của người dân nằm bên dưới Trạm Bảo vệ rừng số 2, xung quanh chủ yếu là cây giang đang mọc lá non rất tốt, đây là nguồn thức ăn chính của trâu do bà con chăn thả
Còn gia đình anh T. cũng ở xã Kỳ Thượng đang đi cùng ông Hải đi tìm trâu thì phát hiện một con trâu nhà mình chết, ở chân trái phía sau vẫn còn dây cáp thít chặt vào đến xương, con trâu đang bị phân hủy do đã chết trước đó vài ngày.
“Họ đặt bẫy thú rừng ngay ở những chỗ có cỏ non, toàn dấu chân trâu đến đây ăn trước đó. Vậy, rõ ràng họ có ý giết chết cả trâu của chúng tôi (hoặc vô trách nhiệm với tài sản hàng trăm triệu đồng của chúng tôi! Đấy là chưa kể việc bẫy lợn rừng, khỉ và nhiều loài hoang dã khác (anh Hải cũng xác nhận thực trạng này khi trao đổi với phóng viên) để đem bán là vi phạm pháp luật” – anh T. đặt vấn đề.
Một người dân khác ở xã Kỳ Thượng có tên là H. cho biết ở Kỳ Thượng hiện có rất nhiều người đặt hàng ngàn cái bẫy trong KBT TN Kẻ Gỗ, chủ yếu họ bẫy lợn rừng, khỉ, nai. Riêng ở xóm 6 có khoảng 30 người đi đặt bẫy. Khỉ sống, khỉ chết đều được bán cho những chỗ nấu cao. Thậm chí có người được hỏi đã bẫy được 8 con tê tê (trút).
“Bẫy thú được đặt nhiều nhất ở Khe Lẫm, Khe Ngấy, Khe Con Chồn, Khe Chuối… Đây là thông tin một số thợ săn đặt bẫy đã thừa nhận trong các cuộc trao đổi với người dân địa phương”, ông H. tiết lộ.
Theo nguồn tin của một cán bộ làm công tác bảo tồn (xin giấu tên), chuyện ông Trần Văn Hải và một số hộ dân khác tố cáo về nạn tàn sát thú hoang trong khu vực là sự thật. Anh này cực kỳ bức xúc và đã nhiều lần liên lạc với các chuyên gia uy tín đề nghị được gặp chúng tôi, với mong muốn: các nhà báo “yêu môi trường” hãy lên tiếng đủ mạnh để cứu thiên nhiên hoang dã trong khu vực.
Trước đó, cuối năm 2019, đầu năm 2020 người dân thôn Mỹ Hà và Mỹ Yên (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã báo cáo chính quyền địa phương tình trạng trâu bò bị dính bẫy thú rừng trong KBT TN Kẻ Gỗ. Sự việc khiến 3 con trâu của 2 hộ dân trên địa bàn dính bẫy. Trong đó, 1 con bị xẻ thịt ngay trong rừng, còn 2 con được phát hiện trong tình trạng bị thương nặng sau đó người dân đưa về giết thịt. Khu vực đặt bẫy được phát hiện tại khe Lá Mớc, gần Trạm bảo vệ rừng số 1, KBT TN Kẻ Gỗ. Sau đó vụ việc được trình báo đến Công an xã Cẩm Mỹ và Công an huyện Cẩm Xuyên.
Người đặt bẫy đe dọa giết hết đàn trâu nếu khổ chủ dám tố cáo
Theo một số hộ dân có trâu chăn thả ở gần khu vực KBT TN Kẻ Gỗ, sự việc trâu dính bẫy đã diễn ra trong một thời gian dài, có thời điểm trâu dính bẫy ở các Trạm Bảo vệ rừng số 2 của KBT chỉ vài trăm mét. Quá bức xúc, ông Hải cùng một số người bị mất trâu đã báo cáo đến KBT và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khi biết thông tin mình bị tố cáo, một đối tượng được cho là đã đặt bẫy làm chết trâu còn đe dọa sẽ giết hết cả đàn trâu khoảng 60 con của ông Hải và hàng trăm con trâu của các nông hộ khác.
Sau khi chứng kiến sự mất mát về kinh tế rất lớn và sự thách thức của người đặt bẫy, 10 hộ dân ở các xóm 6, 7, 9, 10 xã Kỳ Thượng đã viết đơn trình báo sự việc với UBND xã Kỳ Thượng, đồng kính gửi Ban Công an xã Kỳ Thượng về sự việc trên.
Theo đó, trong đơn có dấu giáp lai của KBT TN Kẻ Gỗ, 10 hộ dân cho biết đã chăn thả trâu ở khu vực đội 6 thuộc KBT TN Kẻ Gỗ từ năm 1995 đến nay. Nhưng trong thời gian từ tháng 10/2021 có một số hộ dân ở xã Kỳ Thượng lén lút vào đánh bẫy tại khu vực thả trâu được giao quản lý bởi Trạm Bảo vệ rừng số 2 (KBT TN Kẻ Gỗ) nên dẫn đến chết 7 con trâu phát hiện được xác, còn nhiều con trâu khác không tìm thấy.
Các hộ gia đình đã đến tận nhà người đặt bẫy để vận động tháo dỡ bẫy nhưng các hộ đặt bẫy không chấp hành. Trong đơn 10 hộ dân ở xã Kỳ Thượng cũng nêu đầy đủ họ tên 5 những người được cho là đã đặt bẫy gây chết trâu.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Công an xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết: “Chúng tôi mới nhận đơn của người dân. Trước hết người dân phải tự bảo vệ tài sản của mình, hai là việc chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có người chăn dắt, nhốt trong chuồng trại chứ không được thả rông ở khu vực rừng cấm – KBT TN Kẻ Gỗ”.
“Việc một số người dân vào rừng đặt bẫy chúng tôi đã nghe thông tin từ người dân cung cấp. Còn những hộ dân đặt bẫy bị phản ánh, ban đầu công an xác minh thì họ từ chối (không nhận lỗi), nên căn cứ để xử lý vẫn chưa có. Hiện nay tôi đã chỉ đạo viết giấy triệu tập những người liên quan lên xã làm việc và tiếp tục tuyên truyền quy định của pháp luật cho người dân hiểu; khi nào điều tra làm rõ thông tin sẽ chia sẻ với cơ quan báo chí” – Trưởng Công an xã Kỳ Thượng nói.
Ở góc độ bảo tồn, ông Lê Trọng Trải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (Viet Nature), cũng là người xây dựng việc thành lập KBT TN Kẻ Gỗ và dành nhiều thời gian nghiên cứu việc đặt bẫy cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu, tôi bị trâu của người dân thả rông trong Khu bảo tồn đuổi. Hiện nay, ở Kẻ Gỗ quần thể nai vẫn còn, chính vì thế người dân đặt dây cáp, dây phanh (bẫy dây) khá nhiều để bắt thú nên trâu của bà con bị dính bẫy. Theo quy chế rừng bảo tồn thì các hoạt động đặt bẫy, chăn thả gia súc là không được phép. Trong quá trình khảo sát xung quanh KBT TN Kẻ Gỗ cho thấy một số người dân ở xã Kỳ Thượng là “sát thủ” săn thú rừng”.
Nhiều lần chính quyền địa phương đã phải vào cuộc xử lý các vụ việc liên quan đến các hộ dân bắt nhầm trâu của nhau do thả rông nhiều năm trong rừng. Và hiện nay, ở trong rừng, đặc biệt là KBT TN Kẻ Gỗ còn rất nhiều trâu. Việc để trâu ở trong KBT là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, môi trường, tài nguyên nơi đây. Nhưng việc săn bắt các quần thể thú rừng quý hiếm, việc giết chết nhiều con trâu (khối tài sản lớn của bà con) cũng là vi phạm trầm trọng.
Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Viết Ninh, Giám đốc KBT TN Kẻ Gỗ (Sở NNPT NT Hà Tĩnh) nhưng không nhận được phản hồi.
KBT TN Kẻ Gỗ (tỉnh Hà Tĩnh) nằm trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê, Thạch Hà, diện tích gần 35.000 ha, gồm các loại rừng: đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Khu vực này có 400 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 47 loài thú, 298 loài chim, 100 loài bò sát lưỡng cư, trong đó có 18 loài thú được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Theo: Báo Dân Việt