Một ngày giữa tháng 4, chúng tôi đến thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) – nơi từng là điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã – bởi có “vựa” chim từ Vườn quốc gia Tràm Chim và nguồn Campuchia về.
Nuôi nhốt bí mật động vật quý hiếm trong nhà, che giấu việc có “hàng”, dò xét kỹ người mua trước khi bán, làm thịt cho vào tủ cấp đông, bao vận chuyển tận nơi bằng máy bay hoặc xe riêng…
Đó là những chiêu trò của các chủ “lò” buôn bán động vật hoang dã mà phóng viên Tuổi Trẻ tiếp cận trong quá trình thâm nhập điều tra.
Tại chợ thực phẩm Tam Nông, tình hình bề ngoài buôn bán động vật hoang dã có vẻ giảm, chỉ có hai cửa hàng đang bán chim, rắn, rùa nhưng thực tế khiến chúng tôi bất ngờ.
Cần con gì, bao nhiêu cũng có
Tại chợ, sạp hàng của bà Tám (Tám Rắn) khoe ra một số loại rùa. Nghe khách muốn mua nhiều, bà nhìn với vẻ cảnh giác. Nhưng khi biết hàng sẽ đổ mối ở các chùa để phóng sinh, bà rối rít trao đổi số điện thoại để gom hàng, hứa cần bao nhiêu cũng có.
Sáng 17-4, trong lúc hỏi thăm thêm manh mối ở cổng chợ, chúng tôi tiếp cận được ông Tài – người tự nhận là mối sỉ chuyên cung cấp chim, cò lớn nhất chợ. “Cần thêm rắn hổ, cạp nong gì đều có hết. Hàng tươi sống có, đông lạnh cũng có”, ông Tài cho hay.
Ông dẫn chúng tôi vào nhà mình ở gần đó. Ngôi nhà mái bằng, có hai lần cửa khóa, bên trong không có đồ đạc nhiều ngoài ba tủ cấp đông đặt dọc bên trái tường. Mở nắp tủ, trước mắt chúng tôi là hàng trăm chim cò đã bị giết thịt, vặt lông, mổ bụng bọc trong túi nilông trắng.
Tay đảo hàng loạn xạ, ông quảng cáo: “Cò, vạc này thịt còn tươi mới, đảm bảo hàng ngon. Tôi chuyển cho các nhà hàng lấy nhiều lắm, ở Sài Gòn, Bình Dương, thậm chí gửi máy bay ra Hải Phòng. Mua thì tôi bao phí!”.
Ông Tài đưa ra danh thiếp, khoe tiếp: “Mùa nước lên 3 tủ đông này đều đầy. Cò vạc giật lưới ngoài đồng, bắt từ Vườn quốc gia Tràm Chim quanh đây”. Rồi bất ngờ ông ta dẫn chúng tôi vào sâu bên trong, nơi có cánh cửa sắt đang khóa kín. Vừa nói ông vừa mở khóa: “Có mười mấy con trích cồ, chiều nay chuyển cho khách”.
Cuộc giao dịch sắp kết thúc thì một phụ nữ bỗng lao vào nhà, quát tháo: “Ở đây không có hàng gì hết, kêu mấy em về đi, hàng đâu mà mua bán”. Người này là vợ ông Tài, bán hàng ngoài chợ. Có lẽ hôm qua bà thấy chúng tôi đi vòng quanh chợ nên nghi ngờ.
“Hàng cấm tôi để trong tủ đông”
Cùng ngày, chúng tôi tới chợ quê Tân Công Sính, cách thị trấn Tràm Chim gần 20km. Nơi đây có một đầu mối chuyên cung cấp động vật hoang dã số lượng lớn lên phố.
Ngay đầu cổng chợ, một cửa hàng ngang nhiên bày bán lưới chụp và bẫy kẹp, quảng cáo “bẫy gì cũng có”. Đi sâu vào chợ hỏi mua chim cò, một phụ nữ trung niên tên Nhung chạy tới nói một cách vô tư: “Có! Nhưng hàng cấm nên tôi để trong tủ đông, không trưng ra, sợ bị tịch thu, bị phạt lắm”.
Dẫn khách vào chiếc tủ cấp đông hai ngăn cỡ lớn để sát tường, bà Nhung mở nắp khoe: “Cò hoa, cò trắng, cò lửa thịt còn tươi mới. Còn 17 con, giá 180.000 đồng/con (hơn 1kg), lấy sỉ thì bớt 10.000 đồng”.
“Hàng cấm thì vận chuyển thế nào?”, chúng tôi hỏi. “Hàng sống mới sợ chứ hàng đông đá như vậy dễ lắm. Mình cho vào thùng xốp dán băng keo chặt thì vận chuyển thoải mái, không sợ công an kiểm tra. Lỡ có bị bắt thì nói con khác cũng không sao”, bà Nhung hồ hởi cho biết cả chợ chỉ có mình bán chim cò. Hàng do thợ bẫy ngoài đồng, rừng, khi nào có sẽ gọi và cũng không hứa trước số lượng.
Rời Tam Nông, chúng tôi di chuyển đến chợ chim Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa, Long An), nơi được ví như “địa ngục chim trời”. Từ khi dịch bệnh bùng phát, chợ bị cơ quan chức năng “điểm mặt”, nhiều chủ hàng tìm cách cất giấu các loài quý ở chỗ khuất.
Khi có khách tìm mối rùa phục vụ phóng sinh tại chùa ở TP.HCM, các chủ gian hàng dày kinh nghiệm “nhìn người” mới bớt cảnh giác.
“Có rùa. Đang để ở trong này!”, bà Oanh, chủ kiôt bán chim, dẫn chúng tôi ra phía sau nhà. Bước vào căn phòng có màn che, bà lấy ra một bao lưới rùa ném ra ngoài. Bao đựng bị hở miệng, một số con rùa đã “tẩu thoát”, chỉ còn lại 15 con rùa ba gờ loại vừa và một rùa núi vàng.
“Rùa vàng giá 500.000 đồng/kg, rùa núi vàng 400.000 đồng/kg, những con còn lại 350.000 đồng/kg. Giờ rùa đang hiếm nên mắc. Chừng nào tới mùa có nhiều thì giá rẻ hơn”, bà Oanh nói.
Đến cửa hàng D.M., chúng tôi cũng không thấy con rùa nào được trưng ra ngoài để bán nhưng khi hỏi thì bà chủ dẫn vào trong. Dưới ánh sáng yếu ớt, hai thùng đựng rùa được mở nắp che. “Bây giờ vận chuyển khó khăn, kiểm lâm cử người mặc thường phục ngồi trước chợ. Em gần bến xe nào thì chuyển theo xe lên bến, rùa sống dai nên không sợ”, người chồng cho biết và đưa danh thiếp cho khách.
Tại cửa hàng Sáu Vị, khi hỏi về cú lợn (người địa phương gọi là con mặt khỉ), chủ cửa hiệu ban đầu nói không có, song cho biết con này dễ kiếm, “muốn mua sẽ có ngay, giá chỉ 250.000 đồng/con, chừng nào có sẽ gọi”. Khi chúng tôi rời đi tầm nửa tiếng, bà này gọi lại báo đã có hàng, hỏi chúng tôi có quay lại lấy luôn không.
Chúng tôi tiếp tục ghé vào cửa hàng Yên Tâm, nằm một mình ở phía sau dãy chợ. Được biết đây là cửa hàng chim đầu tiên, cũng là lớn nhất ở khu chợ này. Và từng bị chính quyền địa phương kiểm tra, xử phạt khi đang nhốt một con rái cá lông mượt.
Bà chủ cửa hàng khá e dè người lạ và liên tục quan sát điện thoại của khách. Nhưng khi đề cập việc mua rùa phóng sinh, bà trở nên hào hứng, dẫn khách vào bể rùa phía sau cánh cửa khóa. Bể rùa nằm ngay cửa ra vào, có 3 con rùa ba gờ, 4 rùa núi vàng và 15 rùa răng to. Những con rùa tội nghiệp, uể oải, đạp lên nhau cố thoát. Có con đã đẻ trứng ở góc bể, trong khi bà chủ chỉ lo ngã giá.
Hung hăng, chửi khách
Còn tại TP.HCM, trước cổng chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh) có khoảng 5 cửa hàng bán động vật phóng sinh. Các chủ hàng ở đây khá nhanh miệng nhưng có chủ cũng sẵn sàng văng tục, dọa đánh khách nếu nghi ngờ hay không hài lòng điều gì.
Tại một cửa hàng chim phóng sinh, người chủ tên Trung cho biết: “Có rùa nhưng phải cất phía trong để tránh bị phạt, kiểm lâm lượn qua đây suốt”.
Trung mở nắp thùng đựng những con rùa ba gờ cỡ 1,5kg và quảng cáo công dụng của rùa phóng sinh: “Làm lễ xin ngài hết rủi trong làm ăn, cái mai rùa sẽ gánh rủi cho mình”. Nói rồi anh ta mở điện thoại khoe “review” của một vị khách mới mua cả thùng rùa phóng sinh.
Gần đó, một người phụ nữ dáng vẻ mập mạp giới thiệu một thùng đựng khá nhiều rùa kiểng, giá 90.000 đồng/con. Hỏi có con nào to hơn không, bà cho biết chỉ có rùa kích cỡ như vậy. Thùng đựng rùa kiểng chia làm hai ngăn với miếng che phía trên, khi chúng tôi kéo miếng che sang một bên thì thấy có hai con rùa núi vàng khá to.
“Hai con này bao nhiêu vậy chị?”, chúng tôi hỏi. “Con đó giá mắc lắm, em mua nổi không?”, bà nói và cho biết giá là 1,1 triệu đồng/con.
Cho vào túi đen thì không bị bắt?
Có khoảng chục cửa hàng bán chim phóng sinh dọc hai bên đường từ cầu Xáng đến chùa Tịnh Quang (huyện Củ Chi, TP.HCM). Có nơi trưng bày rùa quý công khai, mời chào nhiệt tình, có nơi cất kỹ hơn, dò xét khách trước khi giao dịch.
Bà Bé – một chủ cửa hàng bán chim và chuyên cung cấp rùa vàng, rùa sen – tiết lộ cách vận chuyển để “qua mặt” chính quyền khi kiểm tra: “Cho vào túi đen cùng với rùa nhỏ thì không ai bắt”.
Hăm dọa hành hung
Thấy chúng tôi chụp hình con rùa núi vàng với lý do “cho sếp coi có ưng không”, bà lập tức tỏ thái độ hung hăng, chửi tục: “Em xạo ***, chị đánh em bây giờ đó. Giờ chị có con bự em mua không?” và quan sát điện thoại của chúng tôi. Các chủ cửa hàng khác thấy vậy cũng bắt đầu dòm ngó, đề phòng.
Theo Tuổi trẻ