Thiên nhiên ban tặng cho nước ta ba loại chim khướu đặc hữu, nằm trong Sách đỏ VN và thế giới, riêng cao nguyên Kon Tum có hai loài. Nhưng chúng đang giảm nhanh đến nỗi gây nên sự bàng hoàng. Vì đâu nên nỗi…
Cái tên ngoclinhense hay konkakinhensis trong một phần cấu thành nên danh pháp khoa học của hai loài khướu Kon Ka Kinh và khướu Ngọc Linh đặc hữu, chỉ có ở cao nguyên Kon Tum nói riêng và VN nói chung. Đó là niềm tự hào của những nhà khoa học và những ai yêu quý chim hoang dã. Nhưng gần đây, loài chim này ngày càng giảm sút nghiêm trọng.
Nhà nhiếp ảnh chim hoang dã được mệnh danh là “vua chim” Tăng A Pẩu cảm thán: “Tôi bàng hoàng thật sự khi hiện nay khướu Ngọc Linh, khướu Kon Ka Kinh còn rất ít. Nếu chúng ta không quyết tâm bảo vệ chúng thì họa tuyệt chủng các loài chim quý đặc hữu của VN đang đến rất gần”.
Khướu Kon Ka Kinh buồn không hót
Mặc dù đã từng chụp được khướu Kon Ka Kinh từ nhiều năm trước, nhưng khi tôi cố gắng thuyết phục, nhiếp ảnh gia Thuần Võ, một tay máy nổi tiếng trong giới chụp chim hoang dã, cũng đồng ý đưa tôi đi tìm khướu Kon Ka Kinh tại Kon Tum. Trước khi đi anh còn nói: “Bây giờ tìm thấy một con khướu Kon Ka Kinh là “chua” lắm đó”. Leo núi bở hơi tai mấy tiếng đồng hồ, rồi tôi và anh Thuần cũng đến được nơi từng được coi là lãnh địa của loài khướu đặc hữu này. Nhưng suốt hai ngày trời, chúng tôi không phát hiện ra con nào.
“Sinh cảnh ở đây không còn lý tưởng cho khướu Kon Ka Kinh sinh sống, những kẻ đi săn cũng bẫy chúng gần như sạch hết rồi”, anh Thuần buồn rầu thở dài. Những chuyên gia điểu học, cũng như đội ngũ nhiếp ảnh gia ngoài việc tìm chụp các loài chim, họ còn có thể nhận dạng thống kê về sự sống còn của các loài chim quý đặc hữu mang tính bản địa.
“Những năm gần đây, phải sau nhiều lần đi, chịu khó “mai phục” và còn gặp may nữa mới có thể chụp được ảnh loài chim quý có giọng hót pha lẫn họa mi – chích chòe lửa đầy quyến rũ, mê hoặc này”, anh Thuần Võ nói. Anh Nguyễn Văn Thắng, hướng dẫn viên Công ty du lịch Hoang dã Wildtour, cho biết thêm: “Những năm trước 2013, đi rừng một ngày có thể gặp tới 10 – 15 bầy khướu Kon Ka Kinh, nhưng mỗi năm lại ít dần ít dần. Lần gần nhất, tháng 2.2022, đi khảo sát trong vòng 7 ngày chúng tôi chỉ ghi nhận được một bầy duy nhất, chúng cũng không cất tiếng hót như thường lệ mà im lặng.
Mặc dù việc săn bắt, mua bán khướu Kon Ka Kinh là vi phạm pháp luật, nhưng việc tìm mua không khó. Tôi gõ từ khóa “Bán khướu Kon Ka Kinh” trên trang chủ Facebook, lập tức có nhiều đường link dẫn đến các trang cá nhân của người bán khướu Kon Ka Kinh. Chọn một người, tôi gọi điện hỏi: “Có phải em bán khướu Kon Ka Kinh không?”. Đầu dây bên kia là giọng một thanh niên trả lời: “Dạ có. Một cặp trống mái đó anh”. “Có phải chính xác là khướu Kon Ka Kinh không?”, tôi hỏi thêm. Người bán chim khẳng định chắc nịch: “Đúng rồi. Nó là khướu rừng quốc gia Kon Ka Kinh, chỉ có một vùng đó có thôi, cả đất nước VN chẳng có rừng nào có”. Tôi làm ra vẻ chưa tin khướu Kon Ka Kinh thật, thì anh này nói luôn: “Nếu cần gọi video để xem. Anh hoàn toàn yên tâm vì em gửi miết. Em gửi đi Hà Nội, Sài Gòn, Tây Ninh, Bình Thuận… bây giờ nó hạ giá, “hạ nhiệt” vì mua bán khướu Kon Ka Kinh mà bị bắt là bị phạt”. Tôi thắc mắc vậy nếu lỡ gửi cho mình mà trên đường đi bị kiểm lâm bắt chẳng hạn thì tôi cũng sẽ liên lụy, anh này đảm bảo: “Em vận chuyển bình thường. Em có xe quen này nọ đó. Nếu trên đường bị bắt cũng không sao hết. Mua bán khướu Ngọc Linh bị bắt thì phạt 2 triệu đồng, còn con khướu này (khướu Kon Ka Kinh – PV) chưa gắt gao. Không sao hết. Anh em mua bán đầy đó mà. Lo gì đâu”. Cuối cùng tôi hỏi: “Những con khướu này mình mua của thợ đi bẫy hay tự đi bẫy”, thì người bán tiết lộ: “Ngày xưa em cũng là thợ bẫy, nhưng bây giờ em không đi nữa. Nhưng nhờ quen nhiều thợ bẫy nên dặn người ta đi bẫy về thì mua lại”.
Gần đây, tôi đã tháp tùng nhiều nhiếp ảnh gia đi chụp chim hoang dã tại Cần Giờ. Dừng chân nghỉ tạm cạnh một ngôi biệt thự ở đây, những người trong đoàn đã phát hiện tiếng hót của khướu Kon Ka Kinh. “Chúng tôi nhiều lần lên tận lãnh địa của chúng tìm, may mắn lắm mới tìm thấy vài con để chụp. Thậm chí, có người đi bốn, năm lần chưa có tấm ảnh nào về nó. Thế nhưng, bọn đi bẫy chim đã bắt chúng đem bán tận nơi này”, một người nói.
Khướu Ngọc Linh đe dọa tuyệt chủng
Khướu Ngọc Linh có tên khoa học đầy đủ là Trochalopteron ngoclinhense, thuộc bộ sẻ, được mô tả khoa học vào năm 1999. Nơi sinh sống chủ yếu của loài chim này là vùng rừng núi Ngọc Linh, tại độ cao 1.480 – 2.200 m. Sách đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) xếp loại khướu này ở mức nguy cấp (EN).
Khướu Kon Ka Kinh Garrulax konkakinhensis (Chestnut-eared Laughingthrush) được xếp vào bậc VU (độ quý hiếm bậc 3) trong Sách đỏ thế giới. Khướu Ngọc Linh được sách đỏ của IUCN xếp loại mức nguy cấp (EN). Tại VN, khướu Ngọc Linh được xếp vào danh mục động thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IB). Các loài trong nhóm này đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Mức phạt cao nhất cho hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép khướu Ngọc Linh và các loài trong nhóm IB là 2 tỉ đồng và 15 năm tù.
Theo một số nhà điểu học, hiện nay số lượng cá thể khướu Ngọc Linh trưởng thành chỉ còn 1.000 – 2.499 cá thể. Tuy nhiên, loài khướu này cũng cùng chung “số phận” như khướu Kon Ka Kinh. Môi trường sống của chúng bị thu hẹp do nạn phá rừng và nạn săn bắt trái phép đang diễn ra hằng ngày. Các trang mạng mua bán khướu Ngọc Linh cũng nhan nhản. Trong vai một người cần mua khướu Ngọc Linh, tôi gọi vào số điện thoại trên một trang Facebook rao bán khướu Ngọc Linh, người bán cho biết anh ta đang có một cặp khướu Ngọc Linh “rin”. Tôi hỏi có chính xác là khướu Ngọc Linh không thì người này cũng khẳng định 100% là khướu Ngọc Linh anh ta mua được của những người đi bẫy. Để xác tín, anh ta còn bảo tôi kết bạn Zalo để gửi trực tiếp video quay cặp chim cho tôi xem. Tay này còn hỏi tôi ở đâu. Khi tôi nói mình ở Sài Gòn thì anh ta bảo: “Em sẽ gửi vào Bến xe Miền Đông rồi anh ra lấy”.
Anh Thuần Võ, người đàn ông si mê chim hoang dã và cũng tự hào có những bức ảnh thuộc hàng đẹp nhất về khướu, khuyến cáo: “Sách đỏ xếp khướu Ngọc Linh ở cấp EN tức có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai rất gần. Loài này sẽ biến mất vĩnh viễn khỏi trái đất nếu như chúng ta không chung tay bảo vệ nó”. Còn anh Sâm Thương, một trong số ít nhiếp ảnh gia chụp nhiều ảnh loài chim hoang dã nhất, trong đó có hai loài chim đặc hữu khướu Kon Ka Kinh và khướu Ngọc Linh, cho biết hai loài chim nêu trên nổi tiếng cả thế giới. Ai trong giới bird photographer cũng ao ước có được những bức ảnh về chúng. Nhưng sau những năm tháng lặn lội chụp chim, thường xuyên dõi theo sự sống còn của hai loài chim đặc hữu này, anh Sâm Thương nói với tôi một câu thật buồn: “Với đà suy giảm như hiện nay, không chỉ đợi đến đời con cháu, mà chúng ta cũng có thể không còn nhìn thấy khướu Kon Ka Kinh, khướu Ngọc Linh trong tự nhiên nữa”.
Theo Thanh niên