Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2016 vừa qua, dự án “Phật tử Việt Nam chung tay bảo vệ tê giác” do CHANGE phối hợp với WildAid và African Wildlife Foundation đã liên tiếp tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ tê giác hướng tới cộng đồng Phật tử Việt Nam trên khắp cả nước nhằm kêu gọi sự ủng hộ và đoàn kết lên tiếng về vấn nạn buôn bán và sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam, từ đó nâng cao nhận thức và tăng cường hợp tác để cùng chung tay bảo tồn các quần thể tê giác ít ỏi còn sót lại.
Dự án nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các giảng sư bao gồm Hòa Thượng Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân (TP. HCM), Thượng Tọa Thích Nhật Từ – Trụ trì chùa Giác Ngộ (TP. HCM), Thượng Tọa Thích Chân Quang – Trụ trì chùa Phật Quang (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Đại đức Thích Tâm Hòa – Trụ trì chùa Hòa Phúc (Hà Nội) và sự tham gia của hơn 14,000 Phật tử trên khắp mọi miền cả nước, cũng như thu hút sự quan tâm của hàng chục chuyên trang viết Phật giáo để lan tỏa thông điệp mạnh mẽ hơn.
Mở đầu cho chuỗi hoạt động, Hòa thượng Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân đã có buổi nói chuyện với hơn 1,000 Phật tử về vấn nạn mua bán và tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam. Hoà thượng hoàn toàn bất ngờ, vì Việt Nam là nước nghèo mà lại dẫn đầu về tiêu thụ sừng tê. Từ đó, Hòa thượng tha thiết kêu gọi các Phật tử chia sẻ đến gia đình, bạn bè, người thân rằng các thông tin đúng đắn về sừng tê giác, chung tay bảo vệ tê giác của thế giới và kêu gọi các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp thực thi pháp luật mạnh mẽ để ngăn chăn tận gốc việc buôn bán trái phép sừng tê giác.
Tiếp đó, trong không khí mừng Đại lễ Phật Đản tại chùa Phật Quang vào ngày 20 tháng 5, hơn 10,000 Phật tử cùng Thượng tọa Thích Chân Quang cũng hòa chung tinh thần bảo vệ tê giác. Ở một góc độ nhìn nhận khác, Thượng tọa đã truyền đạt thông điệp mang tính nhân văn cao cả về tình yêu thương muôn loài, không phân biệt giữa loài người và loài vật vì mọi sự sống của chúng sanh đều có giá trị như nhau. Con người có thể thay đổi bằng cách từ bỏ quan niệm giết hại các loài động vật để thỏa mãn các nhu cầu ích kỷ của con người, và thực hành việc ăn chay, hạn chế sát sinh. Thượng tọa cũng đưa ra một thông điệp cao thượng hơn, đó là giả sử sừng tê giác có một số tác dụng y học nào đó, thì những người con Phật cũng nên khước từ sử dụng sừng tê để chữa bệnh.
Với mong muốn lan rộng những thông điệp về lòng từ bi – trí tuệ của người con Phật trên mọi miền đất nước trong việc bảo vệ tê giác, dự án tiếp tục tổ chức tại Chùa Hòa Phúc (Hà Nội) vào ngày 21 tháng Bảy và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hơn 1,000 quý chư Tăng bổn tự cùng hàng Phật tử trong đạo tràng. Đại đức cho biết việc chúng ta sử dụng sừng tê giác sẽ làm cho hệ sinh thái bị mất cân bằng, môi trường sống của chúng ta bị đảo lộn và ảnh hướng trực tiếp tới sinh mạng của con người, ngoài ra còn gián tiếp phạm vào giới cấm sát sinh mà Đức Phật đã cấm các đệ tử của Ngài. Đại đức kêu gọi đạo tràng tuyệt đối nói không với việc sử dụng các loại chế phẩm từ sừng tê giác đồng thời truyền thông đến người thân, bạn bè của mình.
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền tại chùa, dự án cũng tổ chức một buổi tọa đàm “Nghệ thuật cân bằng và hạnh phúc” do Thượng tọa Thích Nhật Từ chủ trì với sự tham gia của các đại sứ thiện chí của chiến dịch như diễn viên Hồng Ánh, ca sĩ Thu Minh và 120 doanh nhân. Tọa đàm là không gian mở và thân mật dành cho các doanh nhân đến để lắng nghe và chia sẻ về câu hỏi lớn được nhiều doanh nhân quan tâm xung quanh việc làm thế nào để đạt được sự cân bằng và cảm nhận được hạnh phúc nội tâm trong cuộc sống đầy áp lực hiện nay. Thông qua đó, Thượng tọa Thích Nhật Từ truyền tải thông điệp và kêu gọi cộng đồng Phật tử là doanh nhân bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, cụ thể là sừng tê giác.
“Nghệ thuật sống hạnh phúc là sống cân bằng giữa thân và tâm, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, thể hiện tình thương đối với động vật, thích làm việc nghĩa lợi, thể hiện tâm vị tha, làm chủ cảm xúc và thong dong trong các tình huống thuận, nghịch.” – Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biệt. “Thực chất sừng tê giác có cấu tạo từ chất keratin, giống như móng tay và tóc con người. Không phải là thuốc tiên, sừng tê giác không trị được bách bệnh hay ung thư như đồn thổi. Tâm lý “ai mách gì làm vậy” trong trường hợp sừng tê giác là góp phần gây ra tội diệt chủng loài động vật này, sẽ không thể đem đến phước lành cho chúng ta và các thế hệ tương lai.”.
Ngoài các hoạt động trên, các chuyên trang Phật giáo của Chùa Giác Ngộ, Chùa Hoằng Pháp cùng Đạo Phật ngày nay và Người Phật tử,.. cũng đã đồng loạt giúp dự án lan tỏa các thông điệp giá trị này đến đông đảo các Phật tử khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam với mong muốn cùng chấm dứt vấn nạn mua bán, tiêu thụ sừng tê giác trong một tương lai gần.