BUÔN BÁN ĐVHD CHƯA CÓ DẤU HIỆU THUYÊN GIẢM

Việt Nam vẫn được coi là “điểm nóng” về nạn buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trên thế giới, dù cho các cơ quan chức năng đã có các biện pháp chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ hơn. 

Ngày 18/6 vừa qua, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã công bố báo cáo “Chưa lối thoát – Nạn buôn bán ĐVHD trước và trong đại dịch tại Việt Nam.” Kết quả khảo sát nhanh tại 20 tỉnh thành cho thấy, trong hai năm 2019 – 2020, tình hình buôn bán ĐVHD tại Việt Nam đến nay vẫn chưa mấy thuyên giảm. 

Khảo sát tập trung vào các cơ sở, tụ điểm bán ngà voi, hổ, rùa và chim hoang dã tại 20 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, có tới 27/31 điểm khảo sát ghi nhận tình hình buôn bán trái phép các sản phẩm từ ngà voi; một số chợ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn buôn bán sôi động các loại rùa, chim và các ĐVHD khác, bao gồm các loài ĐVHD quý hiếm. 

Nhiều biện pháp đã được đề xuất tới các ngành chức năng thực hiện nhằm ngăn chặn và hạn chế những nguy cơ bùng phát các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật: Đóng cửa các chợ và địa điểm buôn bán ĐVHD trái phép, thắt chặt quản lý hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã vì mục đích thương mại, kết hợp nghiên cứu và đánh giá để lập danh mục các loài được phép gây nuôi.

Ngoài ra, với sự biến tướng của các hoạt động buôn bán ĐVHD trên Internet, báo cáo cũng đề xuất các biện pháp như kiểm soát hoạt động quảng cáo, rao bán sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng thương mại điện tử; khuyến khích các cơ quan báo chí, các tổ chức phi chính phủ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng chống mua bán động vật hoang dã hay cổ suý các món ăn và phương thuốc có nguồn gốc ĐVHD. 

Theo báo Lao Động Thủ Đô 

Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

back to top