Nạn buôn bán động vật hoang dã qua internet thực sự là một vấn đề nóng. Trong những năm qua Việt Nam ghi nhân hàng nghìn vụ liên quan đến buôn bán động vật hoang dã qua mạng và còn rất nhiều vụ việc khác chưa có biện pháp xử lý. Các chuyên gia nhận định đây là một vấn đề nóng, cần mạnh tay hơn nữa trong quá trình xử lý vi phạm.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm một số địa phương đã có những động thái quyết liệt trong công tác đấu tranh bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn, đặc biệt là buôn bán qua mạng internet.
Trả lời trên báo chí, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Thứ nhất là Chi cục Kiểm lâm đã ký cam kết với các nhà hàng trên địa bàn không giết mổ cũng như nuôi nhốt các loài động vật hoang dã trái phép là để tuyên truyền. Thứ hai là các tuyến đường, các vùng mà thường bị săn bắt, vận chuyển, chúng tôi tổ chức lực lượng để ngăn chặn”.
Ở góc độ một Nhà khoa học, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam cho biết: “Mỗi người hãy biết hy sinh các tham vọng ích kỉ của mình một ít, giúp thiên nhiên được bảo tồn và phục hồi cho chúng ta và thế hệ mai sau”. Ông cho biết thêm: “Nạn buôn bán động vật hoang dã qua internet thực sự là một vấn đề nóng. Việt Nam ta cũng là một trong những điểm thế giới cảnh báo tình trạng buôn bán động vật hoang dã, họ đã có nhiều động thái quan trọng nhằm kiềm chế tình hình.
Việc buôn bán động vật hoang dã từ các nước Lào, Campuchia, Myanmar chuyển sang Việt Nam rồi Việt Nam buôn bán sang các nước khác hoặc tiêu thụ trong nước… cũng dần được xiết chặt.
Chính phủ cũng rất quyết tâm thực hiện điều này, cụ thể, trong Luật Bảo vệ Môi trường cũng như Luật Lâm nghiệp năm 2017 đều cấm tuyệt đối các hành vi trên. Theo tôi, để cải thiện tình hình còn khá phức tạp thì các lực lượng hải quan, công an, kiểm lâm phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa. Vì tính chất xuyên quốc gia, sự siêu lợi nhuận của loại tội phạm buôn bán “hàng rừng” này. Đánh giá về nguồn tài nguyên động vật hoang dã ở nước ta hiện nay, ông nói: “Bây giờ số lượng động vật giảm đi rất nhiều. So với nghiên cứu trước đây của chúng tôi, mỗi loài, số lượng cá thể có thể giảm ít nhất 60-70%. Nếu ta không kiên quyết bảo vệ, thì chẳng bao lâu nữa, sự tuyệt diệt của nhiều loài đã làm hổng “mắt xích” sinh thái quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái tự nhiên và cả hệ sinh thái xã hội!”
Buôn bán ĐVHD dù là trên Internet đã không còn an toàn!
Trong những năm gần đây, các vi phạm về động vật hoang dã trên Internet đang gia tăng một cách đáng báo động. Lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và che dấu danh tính của Internet và đặc biệt là các mạng xã hội, nhiều đối tượng đã thường xuyên rao bán các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ, thịt thú rừng và rất nhiều sản phẩm ĐVHD trên Internet.
Chỉ trong năm 2019, Phòng Bảo vệ ĐVHD của ENV đã ghi nhận hơn 2.400 trường hợp quảng cáo ĐVHD trên Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok và các trang mạng điện tử khác. Con số này vẫn không có dấu hiệu giảm xuống trong những tháng đầu năm 2020 với 424 vụ vi phạm tính đến hết ngày 30/4/2020.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất mà ENV cung cấp ngày 2/3/2022, trong năm 2021, có 1.058 cá thể động vật hoang dã đã được giải cứu từ các vụ nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép hoặc được người dân tự nguyện chuyển giao. Trong số 1.058 cá thể động vật hoang dã được giải cứu, có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm như rùa (574 cá thể), khỉ (132 cá thể), rắn (150 cá thể), cu li (21 cá thể), hổ (17 cá thể), mèo rừng (17 cá thể), gấu (13 cá thể), chim săn mồi (14 cá thể) và nhiều loài động vật hoang dã khác.
Năm 2021, trong tổng số 2.448 vụ việc được phát hiện do người dân thông báo đến đường dây nóng, 1.807 vụ việc đã được xử lý thành công với vi phạm bị xóa bỏ, các cá thể động vật hoang dã được giải cứu hoặc/và đối tượng vi phạm bị xử phạt hành chính/xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Năm 2021 ghi nhận 3.703 vụ việc vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, tăng mạnh so với năm 2020 (2.907 vụ việc). Riêng trong tháng 1/2022 cơ quan chức năng tịch thu 289 cá thể ĐVHD, gỡ bỏ 141 đường link vi phạm trên Internet, vô hiệu hóa 83 tài khoản mạng xã hội, tự nguyện chuyển giao 6 cá thể ĐVHD, phạt hành chính 4 đối tượng.
Đáng chú ý, trong năm 2021 ghi nhận 2.470 vụ việc vi phạm trên Internet, trong đó 541 vụ gấu, 546 vụ hổ, 44 vụ tê giác, 559 vụ ngà voi, 68 vụ tê tê, 20 vụ rùa biển, 262 vụ khỉ, và rất nhiều vụ việc liên quan đến buôn bán động vật hoang dã khác chưa được ghi nhận.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Buôn bán ĐVHD dù là trên Internet cũng đã không còn an toàn! ENV trân trọng cảm ơn cộng đồng, các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội đã chung tay cùng ENV trong nỗ lực bảo vệ ĐVHD. ENV đặc biệt hoan nghênh nỗ lực của các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, theo dõi và xử lý các đối tượng vi phạm về ĐHVD trên Internet thời gian qua”.
“ENV hi vọng những bài học đắt giá về hậu quả của hành vi buôn bán ĐVHD sẽ góp phần cảnh tỉnh các đối tượng đã đang và hi vọng sẽ làm giàu từ buôn bán ĐVHD trái phép. ENV cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục phát huy và tích cực hành động để đẩy lùi tội phạm về ĐVHD trên Internet nói riêng và xóa bỏ hoàn toàn tội phạm về ĐVHD khỏi xã hội nói chung” – bà Hà nói.