Năm 2021, ước tính, Việt Nam ghi nhận 2.470 vụ việc vi phạm trên Internet liên quan đến gấu, hổ, tê giác, ngà voi, khỉ, tê tê… Còn hàng nghìn vụ việc buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) qua mạng khác chưa được phát hiện, xử lý.
Các chuyên gia nhận định đây là một vấn đề nóng, cần mạnh tay hơn nữa trong quá trình xử lý vi phạm.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của Báo điện tử Dân Việt từ loạt bài trên, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm một số địa phương đã có những động thái quyết liệt trong công tác đấu tranh bảo vệ các loài ĐVHD trên địa bàn, đặc biệt là buôn bán qua mạng internet.
Theo đó, trả lời PV Dân Việt, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Thứ nhất là: Chi cục Kiểm lâm đã ký cam kết với các nhà hàng trên địa bàn không giết mổ cũng như nuôi nhốt các loài ĐVHD trái phép. Thứ hai là: các tuyến đường, các vùng mà các đối tượng thường săn bắt, vận chuyển trái phép ĐVHD, chúng tôi đã tổ chức nhiều lực lượng ra quân quyết liệt ngăn chặn”.
Tuy nhiên, trong quá trình thâm nhập thực tế, phóng viên Báo điện tử Dân Việt vẫn ghi nhận những hình ảnh người ta ngang nhiên quảng cáo, buôn bán công khai động vật rừng quý hiếm trên chính địa bàn trên.
Cũng nằm trong địa phương mà Loạt bài “Tận diệt thật trên thế giới ảo” mà Dân Việt phản ánh, ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết: “Hiện nay Chi cục Kiểm lâm tỉnh vẫn chưa xử lý vụ việc nào liên quan đến buôn bán ĐVHD qua mạng internet, qua mạng xã hội, nếu phát hiện Chi cục sẽ tiến hành xử lý nghiêm”.
“Còn những thông tin mà nhà báo phản ánh về những một phụ nữ buôn bán ĐVHD công khai ven quốc lộ, với số lượng lớn như tài liệu đã cung cấp, chúng tôi sẽ chỉ đạo địa phương vào cuộc kiểm tra, phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” – ông Tý nói.
Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: Vì cộng đồng, hãy biết hy sinh các tham vọng “ích kỉ”
Với tư cách là một nhà khoa học nổi tiếng, đương kim là Chủ tịch Hội Động vật học, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam – với nhiều năm kinh nghiệm, nghiên cứu về lĩnh vực kể trên – trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt về loạt bài, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Đặng Huy Huỳnh nói: “Mỗi người hãy biết hy sinh các tham vọng ích kỉ của mình một ít, giúp thiên nhiên được bảo tồn và phục hồi cho chúng ta và cho thế hệ mai sau”.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết thêm: “Nạn buôn bán ĐVHD qua internet thực sự là một vấn đề nóng. Việt Nam ta cũng là một trong những điểm nóng buôn bán ĐVHD mà thế giới họ đã cảnh báo cấp thiết, với nhiều động thái quan trọng nhằm kiềm chế tình hình. Việc buôn bán động vật hoang dã từ các nước Lào, Campuchia, Myanmar… chuyển sang Việt Nam rồi Việt Nam buôn bán sang các nước khác hoặc tiêu thụ trong nước… cũng dần được siết chặt.
Chính phủ Việt Nam cũng rất quyết tâm thực hiện điều này. Cụ thể, trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như Luật Lâm nghiệp năm 2017 đều cấm tuyệt đối các hành vi trên. Theo tôi, để cải thiện tình hình còn khá là phức tạp thì các lực lượng hải quan, công an, kiểm lâm phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa – trước tính chất xuyên quốc gia, trước sự tinh vi và thực tế siêu lợi nhuận của loại tội phạm này”.
Đánh giá về nguồn tài nguyên ĐVHD ở nước ta hiện nay, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh: “Bây giờ số lượng động vật rừng ở ta bị suy giảm đi rất nhiều. So với nghiên cứu trước đây của chúng tôi, mỗi loài, số lượng cá thể có thể giảm ít nhất 60-70%.
Nếu ta không kiên quyết bảo vệ, thì chẳng bao lâu nữa, sự tuyệt diệt của nhiều loài đã làm hổng các “mắt xích” sinh thái quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái tự nhiên và cả hệ sinh thái xã hội, thiên tai dịch bệnh hành hoành…!” .
“Chợ ảo” đã “không còn an toàn” với các đối tượng vi phạm nữa!
Trong những năm gần đây, các vi phạm về ĐVHD trên Internet đang gia tăng một cách đáng báo động. Lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua trên diện rộng và dễ bề che dấu danh tính của khi sử dụng internet và đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, nhiều đối tượng đã thường xuyên rao bán các sản phẩm như ngà voi, hổ nguyên con, sừng tê giác, móng gấu, da hổ, thịt thú rừng và rất nhiều sản phẩm ĐVHD khác.
Chỉ trong năm 2019, Phòng Bảo vệ ĐVHD của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận hơn 2.400 trường hợp quảng cáo mua bán ĐVHD trên Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok và các trang mạng điện tử khác. Con số này vẫn không có dấu hiệu giảm xuống còn tăng cao, theo đó năm 2020: 2.907 vụ việc, năm 2021: 3.703 vụ.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất mà ENV cung cấp cho phóng viên Dân Việt ngày 2/3/2022 cho thấy trong năm 2021 ghi nhận 2.470 vụ việc vi phạm trên Internet, trong đó 541 vụ gấu, 546 vụ hổ, 44 vụ tê giác, 559 vụ ngà voi, 68 vụ tê tê, 20 vụ rùa biển, 262 vụ khỉ, và rất nhiều vụ việc liên quan đến buôn bán động vật hoang dã khác chưa được ghi nhận.
Riêng trong tháng 1/2022 cơ quan chức năng tịch thu 289 cá thể ĐVHD, gỡ bỏ 141 đường link vi phạm trên Internet, vô hiệu hóa 83 tài khoản mạng xã hội, tự nguyện chuyển giao 6 cá thể ĐVHD, phạt hành chính 4 đối tượng
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Buôn bán ĐVHD dù là trên Internet cũng đã không còn an toàn cho các đối tượng vi phạm kể trên nữa! ENV trân trọng cảm ơn cộng đồng, các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội đã chung tay cùng ENV trong nỗ lực bảo vệ ĐVHD. ENV đặc biệt hoan nghênh nỗ lực của các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, theo dõi và xử lý các đối tượng vi phạm về ĐHVD trên Internet thời gian qua”.
“ENV hi vọng những bài học đắt giá về hậu quả của hành vi buôn bán ĐVHD sẽ góp phần cảnh tỉnh các đối tượng đã đang và hi vọng sẽ “làm giàu” từ các thủ đoạn trên. ENV cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục phát huy và tích cực hành động để đẩy lùi các loại tội phạm về ĐVHD trên Internet nói riêng và xóa bỏ hoàn toàn tội phạm về ĐVHD khỏi xã hội nói chung” – bà Hà nói.
Bài học cảnh tỉnh: 14 năm tù giam vì buôn sừng tê giác
Mới đây nhất tại tọa đàm “Nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm về động vật hoang dã” do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Hà Nội tổ chức ngày 24/2/2022, Thành phố Hà Nội được đánh giá là địa phương ghi nhận số lượng lớn nhất các tội phạm về ĐVHD được đưa ra xét xử. Đây cũng là địa phương có nhiều bản án nghiêm khắc, có ý nghĩa răn đe với hình thức tội phạm này
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên dẫn chứng, mới đây, ngày 4/12/2021, đối tượng Đỗ Minh Toản (sinh năm 1985, trú tại xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù giam – hình phạt cao nhất từng được áp dụng tại Việt Nam với một đối tượng phạm tội về ĐVHD từ trước đến nay.
Trước đó, đối tượng này đã bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) sau khi bị phát hiện vận chuyển trái phép 126,5kg sừng tê giác trái phép qua đường hàng không.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng VKSND Thành phố Hà Nội, khẳng định quyết tâm “không khoan nhượng” trong công tác đấu tránh với loại tội phạm này cũng như đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan để nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm về ĐVHD.
Tọa đàm tại Hà Nội là một trong chuỗi các tọa đàm chuyên đề được ENV phối hợp với VKSND các địa phương thực hiện với mục tiêu nâng cao hiệu quả xử lý đối với tội phạm về ĐVHD, tăng cường tính răn đe với loại tội phạm này cũng như khuyến khích việc tập trung xử lý các đối tượng cầm đầm những đường dây (đặc biệt là các trùm xuyên quốc gia) buôn bán ĐVHD lớn cả trên internet và mọi giao dịch “ngoài đời thật”.
Theo: Báo Dân Việt.