BUÔN BÁN ĐVHD ONLINE THỜI COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta làm việc và sinh hoạt khi tất cả những hoạt động thường ngày đều diễn ra trên không gian số. Và không may, những hoạt động buôn bán ĐVHD cũng không là ngoại lệ. 

Khi đại dịch COVID-19 nổ ra khắp nơi trên thế giới, hàng loạt các động thái như giãn cách xã hội hay lệnh hạn chế đi lại đã được chính phủ các quốc gia nhanh chóng thực hiện nhằm bảo vệ người dân khỏi sự phát tán của virus. Không dừng lại ở đó, những nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức về nạn buôn bán và sử dụng ĐVHD cũng đã được chú trọng khi có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên quan của việc tiêu thụ ĐVHD tới sức khỏe cộng đồng. 

Một báo cáo gần đây chỉ ra rằng, các hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép tại khu vực Đông Nam Á có xu hướng giảm so với năm 2019, do các lệnh cấm đi lại cũng như nhu cầu về ĐVHD thấp. Tuy nhiên, các giao dịch này vẫn tiếp diễn trên các nền tảng mạng xã hội, khi các kẻ buôn lậu lợi dụng tình hình phức tạp của dịch bệnh để đầu cơ các sản phẩm từ ĐVHD, với hy vọng thị trường sẽ sôi động trở lại khi các hạn chế được nới lỏng. 

Trong báo cáo về các hoạt động buôn bán ĐVHD của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 21/5/2021, các dữ liệu chỉ ra rằng các vụ bắt giữ các bộ phận tê tê tại Trung Quốc, Lào, Việt Nam và Thái Lan đã giảm đáng kể trong năm 2020, với 48 vụ (so với 82 vụ vào năm 2019). Tổng khối lượng tang vật bị bắt giữ cũng giảm mạnh xuống từ 155.795 kg sản phẩm tê tê trong năm 2019, xuống còn 9.765kg trong năm 2020. 

Báo cáo cũng cho thấy các vụ bắt giữ các bộ phận của hổ và voi cũng giảm đáng kể về số lượng và quy mô. Có tất cả 121 vụ bắt giữ ngà voi được ghi nhận trong năm 2020, giảm 36% so với năm 2019. 

Báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines (DENR) cũng cho thấy xu hướng tương tự. Số vụ bắt giữ và tang vật sống thu được của các cá thể ĐVHD trong năm 2020 là số lượng thấp nhất mà bộ Môi trường nước này ghi nhận trong thập kỷ qua, giảm hẳn một nửa so với năm 2019. 

Dù số lượng các vụ buôn bán trái phép ĐVHD trực tiếp có giảm, nhưng theo Mạng lưới giám sát buôn bán ĐVHD TRAFFIC cho biết, những kẻ buôn lậu vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi buôn bán ĐVHD trái phép, bất chấp những hạn chế trong việc di chuyển giữa các quốc gia Đông Nam Á trong thời gian đại dịch. 

Buôn bán ĐVHD trái phép trên không gian số

Các hoạt động trao đổi và buôn bán ĐVHD trái phép đang có xu hướng gia tăng trên các nền tảng số khi những kẻ buôn lậu lợi dụng công cụ này để kết nối với những người có nhu cầu. Tực theo các chuyên gia, việc kiểm soát cũng như xử lý các trường hợp này là rất khó khăn do  khung pháp lý còn hạn chế và các giao dịch trên thương mại trực tuyến cũng thường được mã hoá và khó bị phát hiện hơn. 

Cũng theo TRAFFIC, các hoạt động buôn bán ĐVHD trực tuyến đang tồn tại ở nhiều quốc gia, bao gồm các quốc gia thành viên ASEAN. Các chuyên gia cho biết thêm, do tác động của đại dịch và các lệnh hạn chế đã thúc đẩy các hoạt động trái phép này diễn ra trên các nền tảng trực tuyến. Thực tế, các vụ bắt giữ có giảm, nhưng những con số đó chỉ là bề nổi so với hàng loạt các quảng cáo về các sản phẩm ĐVHD đang tràn lan trên Internet. 

Theo một báo cáo của TRAFFIC công bố vào tháng 7/2020, có hơn 8.000 sản phẩm từ ngà voi như trang sức và đồ trang trí đã được đăng bán trên 1.599 tài khoản Facebook và Instagram ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2016. Báo cáo cũng chỉ ra rằng Indonesia là thị trường buôn bán ĐVHD trực tuyến sôi nổi nhất khi rất nhiều kẻ buôn lậu đã chọn phương pháp này để có thể tiếp cận được nhiều người mua hơn. Đây là một phát hiện rất đáng báo động về sự phức tạp của vấn nạn buôn bán ĐVHD khi chúng không chỉ dừng lại ở các phi vụ buôn lậu xuyên biên giới mà còn là các cuộc mua bán trực tuyến trên không gian mạng xã hội. 

Hình ảnh giao bán vảy tê tê công khai từ một tài khoản Facebook được ghi nhận ngày 31 tháng 5 năm 2021. Bất chấp các chính sách của Facebook, những tài khoản như thế này vẫn có thể được tạo, xem và truy cập trên nền tảng mạng xã hội này. Nguồn: Mongabay

Một loạt các nghiên cứu khác về ĐVHD của Philippines do TRAFFIC thực hiện cũng cho thấy vai trò quan trọng của Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác trong việc mua bán ĐVHD đang đe dọa nghiêm trọng tới sự đa dạng sinh học tại quốc gia này. ⅔ số quảng cáo rao bán thằn lằn được đăng tải trên Facebook từ năm 2017 đến năm 2020 chỉ xuất hiện ở Philippines; khoảng 541 con thằn lằn được theo dõi xuất hiện trong 20 nhóm trên Facebook và ⅔ trong số đó thuộc các loài đặc hữu của Philippines. 

Loài rùa rừng Philippines (Siebenrockiella leytensis) quý hiếm và cực kỳ nguy cấp cũng luôn được rao bán nhiều trên các trang giao dịch trực tuyến tại Trung Quốc và Philippines. Loài rùa này thường bị nuôi nhốt trong các vườn thú và cơ sở chăn nuôi tư nhân. Loài rùa này đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và cần được quan tâm bảo vệ nhiều hơn, và tuy đã được nhân giống thành công năm 2018 nhưng theo đại diện của TRAFFIC, những con rùa bị giao bán trước năm 2018 đều có khả năng bị săn trộm từ tự nhiên. 

Báo cáo của TRAFFIC cũng lưu ý rằng Trung Quốc là thị trường có nhu cầu tiêu thụ rùa rừng Philippines cao khi chúng xuất hiện trên nhiều trang web giao dịch trực tuyến ở Trung Quốc. Tháng 4 năm ngoái, nhóm giám sát ĐVHD có trụ sở tại London đã phát hiện 4 quảng cáo mua bán rùa rừng Philippines trên mạng trong bối cảnh đại dịch. Hai trong số đó được rao bán trong một cửa hàng thú cưng của Nhật, cho thấy nhu cầu về loài này không có dấu hiệu suy giảm.  

Facebook không chỉ là nền tảng mạng xã hội duy nhất xuất hiện những hoạt động buôn bán ĐVHD trực tuyến. Các nhà bảo tồn cho rằng những kẻ buôn lậu có thể đã chuyển sang sử dụng các nền tảng khác như WeChat, Whatsapp, Telegram và các nền tảng khó giám sát khác. 

Một trong bán hàng online tại Nhật rao bán loài rùa rừng quý hiếm Philippines. Nguồn: TRAFFIC

Nỗ lực đẩy lùi nạn buôn bán ĐVHD trực tuyến

Những kẻ buôn lậu đang lợi dụng mạng xã hội để có thể dễ dàng tiếp cận cũng như rao bán những sản phẩm từ ĐVHD một cách phi pháp. Tuy nhiên, các nhà chức trách hoàn toàn có thể sử dụng mạng xã hội như một công cụ để theo dõi các hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép. “Mạng xã hội là một kênh thông tin hữu ích để phát hiện cũng như báo cáo về các hành vi phạm pháp liên quan đến các vấn đề môi trường” – bà Theresa Mundita Lim, Giám đốc Trung tâm về Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) cho biết. Khi còn giữ chức Giám đốc Cục Quản lý Đa dạng sinh học của DENR tại Philippines, bà Lim cho biết cơ quan thường nhận được báo cáo về tội phạm môi trường từ người dân thông qua tin nhắn trực tiếp trên mạng xã hội, bao gồm cả các hoạt động mua bán trực tiếp và trực tuyến. 

Mới đây, Facebook và Instagram đã cho ra mắt tính năng bật thông báo cho người dùng về nạn buôn bán ĐVHD trái phép khi các từ khóa liên quan được tìm kiếm. Ví dụ, khi người dùng tìm kiếm một loài động vật đang được bảo vệ cùng với một hoạt động thương mại như “mua hổ”, một thông báo sẽ xuất hiện ở đầy kết quả tìm kiếm để nhắc nhở người dùng về tính phi pháp của hoạt động này cũng như chính sách của Facebook và điều hướng họ tới những thông tin về bảo tồn từ các Tổ chức bảo tồn ĐVHD. 

Chức năng cảnh bảo người  về hoạt động buôn bán động vật hoang dã khi tìm kiếm các từ khóa liên quan đã được triển khai trên các nền tảng Facebook và Instagram

Trong năm 2018, những “ông lớn” mạng xã hội như Facebook, Instagram, Google, Tiktok và Pinterest đã cùng nhau hợp tác để chống lại nạn buôn bán ĐVHD trái phép thông qua việc thành lập Liên minh kêu gọi Chấm dứt Buôn bán ĐVHD trực tuyến (Coalition to End Wildlife Trafficking Online). Liên minh này hiện đã phát triển với 40 công ty đối tác và 9 tỷ tài khoản người dùng trên toàn thế giới cam kết báo cáo vi phạm về ĐVHD. Facebook và Instagram cũng tham gia vào chương trình Liên minh Phát hiện Vi phạm không gian mạng về ĐVHD (Coalition Wildlife Cyber Spotter) trong năm 2019, cho thấy những nỗ lực của công nghệ thông tin trong việc ngăn chặn các hành vi buôn bán ĐVHD trái phép. 

Những nỗ lực đó đã mang lại kết quả đáng ghi nhận: Hơn 4 triệu tài khoản vi phạm các chính sách về ĐVHD trên các mạng xã hội đã bị chặn hoặc xóa bỏ; số các mặt hàng từ ngà voi được rao bán trên Facebook đã giảm 70% trong giai đoạn 2016 – 2019, số lượng các nhóm tham gia buôn bán ngà voi trong khoảng thời gian trên cũng giảm tới 42%; hàng trăm bài viết bị gắn cờ và xoá bỏ trên mạng xã hội Facebook vì có chứa thông tin liên quan đến hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép. Các chuyên gia cho rằng, sự ra đời của Liên minh là một bước tiến quan trọng trong việc giám sát thương mại trực tuyến, góp phần đẩy lùi nạn buôn bán ĐVHD trái phép. 

“Mặc dù người dùng luôn có thể tạo tài khoản mới khi nội dung bị xóa, nhưng cần có thời gian và sự tin tưởng để xây dựng kết nối và thiết lập tài khoản điều này làm gián đoạn các hoạt động buôn bán đang diễn ra” – đại diện của TRAFFIC cho biết. 

Vấn nạn khác: Tích trữ sản phẩm từ ĐVHD

Trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn còn duy trình các lệnh cấm đi lại và giãn cách, các chuyên gia nhận thấy rằng những kẻ buôn lậu đã có sự thay đổi trong “chiến lược kinh doanh ĐVHD”: chúng tích trữ ngà voi, vảy tê tê và các sản phẩm từ ĐVHD khác với hy vọng thị trường sẽ trở lại sau khi đại dịch kết thúc. 

Tại Việt Nam, các cuộc điều tra do Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) và Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã (WJC) thực hiện cho thấy hơn 22 tấn vảy tê tê đã được cung cấp tại Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020. Điều này chỉ ra rằng một số lượng lớn vảy tê tê được dự trữ trong nước và sẽ sẵn sàng vận chuyển khi các lệnh cấm đi lại nới lỏng. 

Những kẻ buôn lậu ngà voi cũng đang có hành động tương tự, theo báo cáo của WJC. Việc thực thi pháp luật gia tăng ở Campuchia, Lào và Việt Nam đã thúc đẩy chúng chuyển sang tích trữ ngà voi thô nhiều hơn. Mặc dù Trung Quốc đã cấm buôn bán ngà voi trong nước kể từ năm 2018, nhiều kẻ buôn lậu đã chuyển hướng sang Campuchia, nơi được cho là “thị trường ngà voi bất hợp pháp dành cho khách Trung Quốc”


Leave A Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

back to top